Để có được món thịt chua hấp dẫn người ta dùng thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn đã được sơ chế sạch của loại lợn lửng.
Thịt sau khi đã được làm sạch, thái miếng ướp một chút muối gia vị, cho trộn đều với thính (được làm từ hỗn hợp ngô, gạo, đậu xanh, đỗ tương rang vàng xay nhỏ) sao cho bột thính bám thật đều trên bề mặt các miếng thịt.
Công đoạn tiếp theo là chuẩn bị những ống nứa to rửa sạch, để khô, lót lá ổi xuống dưới rồi cho thịt đã được ướp thính vào, đậy lớp lá ổi lên trên bề mặt và nút chặt miệng ống lại. Thịt được lèn chặt bằng những nẹp tre gài chéo nhau. Vậy là ngay từ khâu ủ, thịt chua đã ngấm vị, ngấm hương của cây, lá núi rừng. Treo ống thịt ở những nơi cao ráo, thoáng đãng. Sau 5 – 7 ngày đem xuống là ăn được.
Khi ăn, miếng thịt khô, tơi, chua, ngọt, thơm ngậy vừa miệng. Khi ăn thịt chua người ta thường ăn kèm với các loại lá như: lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm… chấm kèm với tương ớt, thêm chút hạt tiêu… sẽ cảm nhận được hết hương vị độc đáo, mới lạ từ món ăn đem lại.
Sau tết, gia đình nào cũng có thịt chua và đây là món ăn mà bất kỳ phụ nữ Mường nào cũng biết làm. Đậm đà hương vị cây lá núi rừng, thịt chua đã trở thành món ăn truyền thống của người Mường Thanh Sơn.
Dịp tết, mỗi gia đình Mường thường “thịt” riêng một chú lợn béo tròn để làm các món ăn. Do có quá nhiều thịt lợn cho mấy ngày này nên người Mường xưa đã sáng tạo ra món thịt chua như một phương pháp bảo quản số thịt chưa dùng đến.
Những ống thịt chua chính là món quà thú vị và ý nghĩa mà các bà, các mẹ đem cho con cháu, tặng biếu bạn bè mỗi dịp tết.
X.A