Để công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đạt hiệu quả tốt, lực lượng Công an cơ sở giữ vai trò nòng cốt, phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch đề xuất thành lập Ban chỉ đạo, dự trù phân bổ kinh phí tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể để tổ chức thực hiện, hàng năm phải tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đề xuất thi đua khen thưởng. Tích cực gọi hỏi, răn đe, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy góp phần làm trong sạch địa bàn khu dân cư. Tuyên truyền phải thường xuyên liên tục, nội dung phong phú sâu sắc, phù hợp với văn hóa vùng miền, đúng đối tượng; người tuyên truyền phải là người có trình độ, uy tín với nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, dòng họ, nhà trường và xã hội để quản lý con em, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm, địa phương nào giữa gia đình, nhà trường, xã hội quản lý tốt thì ở đó tình hình tội phạm ít phức tạp.
Tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 21 ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về Phòng chống tội phạm ma túy trong tình hình mới. Đặc biệt là phải chấn chỉnh đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và cá nhân ở cương vị lãnh đạo đối với tình hình ANTT nói chung và trách nhiệm về tình hình ma túy nói riêng để không một cơ quan quản lý Nhà nước cấp nào, không một cán bộ nào thờ ơ, thiếu trách nhiệm với tình hình tội phạm ma túy ở địa phương mình. Cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong việc để xảy ra tình hình tội phạm ma túy phức tạp, các tụ điểm tổ chức sử dụng và bán lẻ ma túy để xử lý nghiêm minh, không cho phép những phần tử cơ hội, biến chất trong các cơ quan nhà nước bao che, bảo kê cho tội phạm và tệ nạn ma túy.
Về nội dung tuyên truyền cần chú ý tuyên truyền giáo dục sâu rộng về tác hại của ma túy, những vấn đề cơ bản nhất về pháp luật phòng chống ma túy để nhân dân hiểu biết và phòng chống kịp thời, có hiệu quả như Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 221 của Chính phủ về đưa người nghiện ma túy tại các trung tâm chữa bệnh, cai nghiện…
Cần coi trọng tuyên truyền tác hại của ma túy, thủ đoạn của tội phạm ma túy; đưa các vụ án ma túy xét xử lưu động để mọi người dân biết chủ động phòng ngừa. Biểu dương khích lệ, nhân rộng những nhân tố tích cực điển hình trong phòng ngừa, đấu tranh, trong phong trào xây dựng và phát triển mô hình cơ quan, trường học, xã, bản, họ tộc… không có ma túy. Sớm nghiên cứu đưa ra các nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào giảng dạy thường xuyên trong trường học mà cốt lõi là làm cho học sinh, sinh viên thấy được tác hại của ma túy, cách phòng, chống ma túy và những quy định của pháp luật xử lý các hành vi liên quan đến ma túy, nhất là tội phạm ma túy.
Về đối tượng tuyên truyền, giáo dục, yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động của tội phạm ma túy là tình hình kinh tế, xã hội, phong tục tập quán, gia đình dòng họ, vai trò chỉ đạo của chính quyền cơ sở vùng sâu, vùng xa, nơi vùng dân tộc, do đồng bào còn lạc hậu khó khăn về kinh tế dễ bị tội phạm mua chuộc lôi kéo. Ở các thành phố, thị xã thì các đối tượng dễ bị tác động là học sinh, sinh viên, người không công ăn việc làm, con em gia đình ly tán, những người nghiện ma túy, đối tượng hình sự là những đối tượng dễ bị mua chuộc lôi kéo cần phải tuyên truyền. Đối với đồng bào dân tộc do trình độ hạn chế nên việc tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dịch ra tiếng dân tộc.
Hình thức tuyên truyền bằng các hình ảnh, truyền thanh, truyền hình, đài báo, tập trung tuyên truyền vào những người có độ tuổi từ 13 đến 40 tuổi. Thực tế hiện nay tuyên truyền cho những đối tượng này rất khó khăn vì họ không tham gia đoàn thể, không theo dõi phương tiện thông tin đại chúng nên việc tuyên truyền phải giao cho gia đình, người thân vận động tuyên truyền về Phòng chống ma túy. Các vùng trọng điểm trồng cây thuốc phiện, cây cần sa; các xã biên giới nơi có đường giao thông, đường mòn, cửa khẩu qua lại biên giới mà bọn tội phạm ma túy dễ lợi dung để buôn bán và lôi kéo người dân tộc, người không hiểu biết pháp luật tham gia vận chuyển ma túy thuê cho chúng.
Trong nội địa, cần chú ý các phường, xã, thị trấn có đối tượng và tụ điểm bán lẻ, tổ chức sử dụng ma túy, các địa bàn mà tội phạm ma túy thường lợi dụng như các khu vực “xóm liều”; khu vực dân cư phong trào yếu kém hoặc có nhiều người cư trú trái phép, nhiều người đi làm ăn buôn bán ở các nơi khác, ven chợ, đầu mối giao thông, các khu công nghiệp.
Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy với các chương trình kinh tế, xã hội khác nhất là đối với các cuộc vận động “toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”. Tận dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hóa, nghệ thuật, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp để chuyển tải đến các đối tượng cần tuyên truyên truyền, giáo dục. Trong đó cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục trực tiếp thông qua các đội xung kích thanh niên, thiếu niên tại xã, phường, cụm dân cư, học sinh, sinh viên: qua các áp phích, biểu ngữ, tranh cổ động… sao cho mọi nơi, mọi chỗ, mọi tầng lớp, đối tượng đều có thể tiếp cận được những vấn đề rất cơ bản của phòng, chống ma túy.
Phải phân công những cán bộ có uy tín để tuyên truyền, tốt nhất là đào tạo bồi dưỡng giao cho Bí thư Đoàn, Chủ tịch hội phụ nữ, cựu chiến binh, Bí thư Chi bộ, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ. Đối với các đạo giáo, giao cho cha đạo, nhà sư tuyên truyền giáo dân, phật tử, vận dụng các điều răn dạy của Chúa, của Phật để tuyên truyền giáo dục, biểu dương cái thiện, lên án cái ác. Đây là việc làm có ý nghĩa hợp với lòng dân.
Thường xuyên mở hội nghị đào tạo cho các tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở, Trung ương đào tạo cho tỉnh huyện, tỉnh huyện đào tạo cho huyện xã. Đây là những hạt nhân nòng cốt cho công tác tuyên truyền xuống tận dân bản. Có chế độ chính sách cho các tuyên truyền viên. Công tác tuyên truyền phải thực sự sâu rộng, làm thường xuyên, liên tục, phải làm như tuyên truyền về an toàn giao thông, có chương trình, chuyên mục riêng biệt hàng ngày trên các sóng phát thanh, đài truyền hình trung ương cũng như địa phương.
NH