So với các địa phương khác trong cả nước, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn Kon Tum ít phức tạp hơn, các vụ việc được phát hiện điều tra, khám phá có số lượng ma tuý bị thu giữ không lớn, mang tính chất nhỏ lẻ. Tang vật chủ yếu là heroin, do đối tượng từ các tỉnh ngoài vận chuyển vào cung cấp cho người nghiện ở các huyện Ngọc Hồi, Đắk Hà và TP. Kon Tum. Để đấu tranh đẩy lùi tội phạm về ma túy, đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn, cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Lực lượng Công an đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm sát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Trong những năm qua, Công an tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Công an 9 huyện, thành phố phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở tổ chức hàng ngàn đợt tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy (PCMT), thu hút hơn 35.000 lượt người tham gia. Tổ chức 1.140 đợt phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, PCMT nói riêng tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm thu hút hơn 170.000 lượt người. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân công tác, sinh sống trên địa bàn biên giới thu hút 7.590 lượt người tham gia. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát động phong trào toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện; quản lý và hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng tại 31 khu dân cư với 1.685 lượt người tham gia. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục PCMT trong học đường, tổ chức tuyên truyền cho học sinh dưới hình thức trình chiếu phim tài liệu về tác hại của tệ nạn ma túy. Các ngành, đoàn thể tổ chức cấp phát tài liệu, tranh ảnh cổ động, đăng phát tin bài phản ánh kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng trong việc mở các đợt cao điểm ra quân, tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn về ma túy, đảm bảo ANTT; hưởng ứng Tháng hành động và Ngày toàn dân PCMT (26/6). Công an tỉnh thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp về PCMT với Hải quan, Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh. Qua đó, công tác phòng ngừa được triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều mô hình như: “Một mái trường không có ma túy và tệ nạn xã hội”; “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội” hay “thôn, làng nói không với ma túy”, “cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn”... hoạt động hiệu quả, góp phần vào thành công trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng trường học, cơ quan, doanh nghiệp vững mạnh. Nhờ vậy, đến nay địa bàn Kon Tum không có tụ điểm phức tạp về ma túy.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng PCMT trên địa bàn đã phát hiện, bắt giữ 27 vụ, với 43 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ trên 157g heroin và 41g ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện được địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả đã góp phần kéo giảm số người nghiện trên địa bàn. Tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển mô hình phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, mại dâm tại xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi và phường Duy Tân, TP. Kon Tum. Công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, PCMT, thời gian qua tiếp tục được duy trì trên tinh thần không ngừng mở rộng và tăng cường phát triển, tích cực góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Kon Tum với các tỉnh giáp biên trên mọi mặt nói chung và đảm bảo ANTT nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCMT ở Kon Tum thời gian qua vẫn tồn tại một số mặt hạn chế. Để công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo triển khai thực các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương, trong đó tập trung chú trọng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong công tác PCMT. Tiếp tục củng cố và phát triển mô hình xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm; duy trì nhân rộng mô hình cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy tại cơ sở. Coi PCMT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm ANTT. Triển khai sâu rộng, phong phú các biện pháp tuyên truyền, giáo dục đến cộng đồng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành viên; vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong vận động đồng bào tham gia đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống.
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum cần triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan thi hành pháp luật. Lực lượng Công an, Quân đội, Hải quan triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của tội phạm về ma túy; tập trung huy động sự tham gia của nhân dân qua việc tổ chức ký cam kết xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong sạch không có tệ nạn ma túy. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể gắn công tác đấu tranh PCMT với các chương trình xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... để xóa bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo ANTT, tạo đà cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên vùng đất ngã ba Đông Dương.
PV