Ma túy rình rập trước cổng trường
Học sinh, sinh viên là những đối tượng có thể bị sa ngã vào ma túy bất cứ lúc nào do tâm lý dễ bị kích động, chưa có bản lĩnh tự chủ trong cuộc sống, dễ bị rủ rê, lôi kéo; nhiều học sinh thiếu sự giám sát chặt chẽ của gia đình. Đầu tiên là sự tò mò “thử một lần cho biết”, dẫn đến nghiện và lệ thuộc vào ma túy lúc nào không hay. Khi đã lệ thuộc vào ma tuý, các em sẽ bị kẻ xấu sai khiến trộm cắp, trấn lột thậm chí phạm tội hình sự nghiêm trọng để có tiền hút, chích. Nhiều học sinh, sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý. Khi các em sa chân vào ma tuý thì sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn, ma tuý sẽ cướp đi sức khoẻ, tương lai, hoài bão…
Nếu không có sự quan tâm đặc biệt và sự vào cuộc mạnh mẽ của nhà trường, gia đình và xã hội sẽ dẫn tới việc có nhiều hơn học sinh – sinh viên sa ngã vì ma tuý và là con đường ngắn nhất dẫn đến tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS. Vì vậy, đấu tranh để loại bỏ những hiểm họa do ma tuý gây ra đối với học sinh – sinh viên và giáo viên xây dựng môi trường đời sống học đường trong sạch, lành mạnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Công tác phòng chống ma tuý trong các trường học nhiều năm qua đã thu được kết quả đáng khích lệ, nhất là việc kiềm chế sự gia tăng số lượng người nghiện, làm giảm áp lực xâm nhập của ma tuý vào trường học. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phòng, chống ma tuý học đường, cần cụ thể hóa hơn nữa trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền, địa phương. Công tác giáo dục phòng chống trong nhà trường chỉ đạt kết quả tốt khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền, gia đình và xã hội, trong đó gia đình và nhà trường giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, giáo dục phòng chống ma tuý là vấn đề có tính cấp bách của thời đại và trở thành nội dung không thể thiếu trong nhà trường hiện nay.
Đẩy mạnh công tác phòng chống ma túy tại nhà trường
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), thống kê sơ bộ cho thấy cả nước có khoảng 200 học sinh, sinh viên, giáo viên nghiện ma túy. Từ nhiều năm nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã phối hợp chặt chẽ với nhiều ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Vụ Công tác Học sinh - sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống ma tuý học đường, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục về tác hại của ma tuý, cách phòng chống tệ nạn ma tuý đến với toàn bộ cán bộ giáo viên và học sinh, sinh viên các nhà trường. Thường xuyên tổng hợp, thống kê số liệu đánh giá tình hình, phối hợp với chính quyền, công an cơ sở nơi có trường học tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh làm trong sạch địa bàn.
Từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về phòng chống ma túy tại các cơ sở giáo dục để mỗi nhà trường, cơ sở giáo dục sẽ là một pháo đài phòng chống tệ nạn ma túy xâm nhập. Theo đó, thực hiện tích hợp nội dung giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma tuý trong một số môn học chính khoá và các hoạt động ngoại khóa, người học được khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra, xét nghiệm ma túy ngẫu nhiên và đột xuất nếu có biểu hiện nghi vấn. Học sinh – sinh viên sử dụng ma túy sẽ bị đình chỉ học 1 năm, còn nếu vận chuyển, tàng trữ, mua bán ma túy sẽ bị buộc thôi học và giao cho gia đình người học để quản lý, giáo dục hoặc tổ chức cai nghiện. Riêng nhà giáo vi phạm bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên sẽ bị chuyển công tác….
Liên ngành Công an - Giáo dục đã thực hiện các kế hoạch nhằm làm trong sạch môi trường xung quanh trường học, đẩy mạnh công tác phòng chống ma tuý trong ký túc xá, khu ở ngoại trú; rà soát, phân loại đối tượng học sinh - sinh viên có liên quan đến tệ nạn ma tuý để phối hợp có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
Hàng năm, các lớp tập huấn về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý tại các khu vực nhạy cảm về ma tuý cho cán bộ, giáo viên được tổ chức nhằm nâng cao năng lực giảng dạy nội dung phòng chống ma tuý trong các môn học chính khóa và nâng cao hiệu quả việc tổ chức hoạt động giáo dục ngoại khoá phòng chống ma tuý.
Các kết quả đạt được
Sau 8 năm triển khai Kế hoạch hành động phối hợp phòng chống ma tuý giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ năm 2008 đến nay), đã có 700 đơn vị trường học ký cam kết xây dựng nhà trường không ma tuý. Đã tổ chức gần 400 hoạt động giáo dục tuyên truyền từ cấp Trung ương đến cấp trường để quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống ma tuý cho trên 900 cán bộ, giáo viên và 20.000 học sinh, sinh viên đã trở thành cộng tác viên, báo cáo viên và là những hạt nhân tham gia tích cực các hoạt động tuyên truyền, triển khai, quán triệt về công tác phòng, chống ma tuý.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đó là tình trạng cán bộ, giáo viên nghiện ma tuý ở vùng sâu, vùng xa tuy đã được kiểm tra, thống kê, xử lý và số lượng giảm dần nhưng luôn tiềm ẩn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… Kinh phí dành cho hoạt động ở cơ sở quá ít, thiếu công cụ, trang thiết bị, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt là các nhà trường phổ thông đóng trên địa bàn vùng khó khăn. Việc phát hiện, phòng ngừa nghiện ma tuý trong học sinh, sinh viên để kịp thời có giải pháp phối hợp, giáo dục cũng gặp rất nhiều khó khăn chủ yếu là phát hiện được khi học sinh – sinh viên đã bị nghiện nặng, bỏ học hoặc vi phạm pháp luật….
HN