Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã truy quét bắt giữ quyết liệt nhưng các loại ma túy buôn bán, vận chuyển trái phép vào nước ta vẫn chưa giảm mà số lượng ngày càng lớn hơn, nhiều loại mới xuất hiện, đặc biệt các loại ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), hết sức độc hại, tàn phá sức khỏe, hệ thống thần kinh, gây ảo giác, hoang tưởng trong đó có ma túy dạng đá (Methamphetamine)...
Các loại ma túy mới này có “ma lực” lôi kéo lớp trẻ vốn tò mò, năng động, ham muốn tìm hiểu, khám phá nhưng lại ít kiến thức về ma túy, gắn với các sinh hoạt tập thể như hội hè, các hoạt động văn hóa, giải trí đông người; chưa kể các thủ đoạn nham hiểm, dụ dỗ, lôi kéo giới trẻ của bọn tội phạm buôn bán ma túy ngày càng tinh vi.
Để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi ma túy, ba nhiệm vụ: giảm cung, giảm cầu, giảm hại tác động thì nhiệm vụ giảm cầu giữ vai trò trực tiếp và quan trọng nhất. Công tác phòng ngừa cần phải xây dựng thành chiến lược với các thành tố là Gia đình-Nhà trường-Xã hội.
Để thanh thiếu niên nhận thức ma túy là nguy hiểm, nhất là ma túy tổng hợp, tự thắng được sự lôi kéo, cám dỗ, thoát được ra khỏi những hoàn cảnh “hiểm nghèo” để không sa vào nghiện ngập cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội gắn với quá trình quản lý, nuôi dạy, sinh hoạt, học hành, phát triển nhân cách, lao động nghề nghiệp của các em. Cùng với gương mẫu trong lối sống lành mạnh, duy trì gia đình hòa thuận, hạnh phúc; bố mẹ và người thân trong gia đình cần có hiểu biết về ma túy để tư vấn, dạy cho con kỹ năng sống, biết chối từ ma túy trong mọi hoàn cảnh.
Dường như nhà trường lâu nay vẫn còn một khoảng trống trong giáo dục, truyền thông về phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên. Nếu có thì cũng là những chương trình còn khô khan, dập khuôn, thiếu truyền cảm, không có chương trình với học sinh nguy cơ về ma túy. Nhà trường cần xem xét bố trí thời gian thích đáng cho giáo dục, truyền thông phòng chống ma túy với một chương trình đầy đủ, sinh động, đa dạng, cả ngoại khóa, pháy huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong nhà trường.
Ngoài ra, từng cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, các tổ chức xã hội, từ thiện, hệ thống truyền thông các cấp… cần tích cực và vận hành các chương trình truyền thông, tư vấn, cảnh báo phòng ngừa, kiểm soát các quảng cáo về ma túy; cần có sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng với thời lượng, chất lượng phù hợp…
Điều trị đúng phương pháp
Bảo vệ giới trẻ khỏi hiểm họa ma túy bao hàm cả việc giúp đỡ những người đã sử dụng ma túy. Cần phân biệt rõ các mức độ sử dụng chất gây nghiện: Sử dụng cho mục đích giải trí hoặc mục đích khác: gây ra ít hậu quả cho sức khỏe và xã hội; Lạm dụng: việc sử dụng bắt đầu có các hậu quả có hại cho cá nhân, bạn bè, gia đình (như ảnh hưởng đến khả năng lái xe; sử dụng quá đà, có các nguy cơ khác…); Lệ thuộc/nghiện: là sử dụng thành thói quen và mang tính bắt buộc (không thể không sử dụng) dù biết các hậu quả về sức khỏe và xã hội.
Mức độ 1 và 2 nêu trên chưa phải là nghiện, các biện pháp can thiệp chủ yếu là quản lý, giáo dục, tư vấn, thay đổi lối sống.
Chương trình can thiệp, bao gồm phát hiện và can thiệp, càng sớm càng mang lại hiệu quả. Khi phát hiện học sinh, sinh viên sử dụng ma túy, giáo viên và gia đình cần bình tĩnh tìm hiểu, không kỳ thị và hoảng loạn để có phương án hỗ trợ khoa học, tích cực.
Với người đã nghiện thì điều trị, cai nghiện càng sớm càng tốt. Thực hiện các biện pháp y tế, tâm lý, xã hội. Mở rộng các loại hình cai nghiện để cho họ có sự lựa chọn phù hợp, nhất là cai nghiện tự nguyện. Quá trình phục hồi diễn ra dần dần nên có thể phải cai nghiện nhiều lần.
HN