Khu du lịch Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nằm trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ có nhiều tiềm năng du lịch và được xác định là một trong những khu vực có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, Khu du lịch Thác Bản Giốc chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Lượng khách du lịch đến khu du lịch còn thấp, hiệu quả kinh doanh du lịch chưa cao. Nguyên nhân chính là Khu du lịch Thác Bản Giốc chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt để lôi cuốn và giữ chân du khách; việc khai thác du lịch hiện tại mới ở dạng nguyên sơ, ban đầu; còn thiếu những tư duy sáng tạo trong việc biến tài nguyên thành sản phẩm du lịch đặc thù, mới lạ hấp dẫn khách du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định một trong những nội dung ưu tiên là “Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo đặc sắc, có thế mạnh nổi trội”; đồng thời nhấn mạnh “Định hướng và tổ chức phát triển du lịch trên 7 vùng lãnh thổ phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch gắn với vùng kinh tế, vùng văn hóa, vùng địa lý, khí hậu và các hành lang kinh tế, trong đó có các địa bàn trọng điểm du lịch tạo thành các cụm liên kết phát triển mạnh về du lịch”.
Theo đó, ngày 15/11/2015, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc), trong đó nhấn mạnh tăng cường hợp tác giữa hai bên để thúc đẩy phát triển du lịch mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của khu vực này. Từ năm 2017 tỉnh Cao Bằng đã tổ chức gặp gỡ, tọa đàm với Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm triển khai hiệu quả Hiệp định như: Dành quỹ đất của mỗi bên 200ha để tạo không gian của Khu cảnh quan. Hai bên đã và đang tiến hành xây dựng hàng rào theo đường biên giới, trạm kiểm soát thuận tiện cho khách du lịch, lựa chọn mô hình bán vé và những vấn đề liên quan; thống nhất tổ chức thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan vào tháng 12/2019. Đây là mô hình hợp tác đầu tiên giữa hai quốc gia, phấn đấu xây dựng trở thành khu hợp tác kiểu mẫu trong khu vực. Việc triển khai này được thực hiện theo Quyết định số 485/QĐ-TTg ngày 13/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc.
Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch trình bày nội dung dự thảo Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Khu du lịch Thác Bản Giốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, các đại biểu đã cùng thảo luận và trao đổi để đưa ra những ý kiến đóng góp, đề xuất ý tưởng, định hướng và giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Khu du lịch thác Bản Giốc, trong đó tập trung một số giải pháp như: Cao Bằng cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; tổ chức các buổi tập huấn, các khóa đào tạo về nguồn nhân lực du lịch; phát triển du lịch cộng đồng gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân; xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng; đẩy mạnh phát triển du lịch vùng biên giới; định vị rõ hình ảnh điểm đến và xây dựng thương hiệu đặc trưng, nổi bật cho Khu du lịch Thác Bản Giốc; xác định rõ thị trường mục tiêu và xây dựng kế hoạch dài hạn xúc tiến du lịch thác Bản Giốc…
Với tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biên giới, Khu du lịch Thác Bản Giốc nằm trong tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” được xác định là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, cũng là điểm nhấn của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và có tính kết nối cao với các tuyến trong vùng cũng như các công viên đia chất toàn cầu trong khu vực và thế giới.
|
Thu Thảo