Đoàn do thiếu tướng Phan Khuê Tảo - Phó Tư lệnh Hải quân dẫn đầu với sự tham gia của đại biểu một số địa phương, đoàn nghệ thuật quân chủng Hải quân và nhiều nhà báo của các cơ quan thông tấn báo chí, phóng viên Tạp chí Du lịch Việt Nam vinh dự được tham gia đoàn công tác này.

|
Vui mừng đọc thư nhà |
Sau hơn hai ngày lênh đênh trên biển, con tàu HQ 996 của Lữ đoàn 146 Hải quân đã đưa đoàn xuất phát từ cảng Ba Son TP. Hồ Chí Minh đến với Trường Sa. Chúng tôi đã thực sự mắt thấy, tai nghe những câu chuyện về bộ đội, nhân dân và về sản vật của Trường Sa. Có thể khẳng định, qua nhiều tài liệu lịch sử, quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với 02 quần đảo này. Và, từ tháng 4/1975 đến nay, Hải quân nhân dân Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn, dũng cảm, ngoan cường đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa.

|
Giao lưu văn nghệ |
Nam Yết là đảo đầu tiên chúng tôi lên thăm. Nằm ở phía Bắc quần đảo Trường sa, cách đất liền (Cam Ranh) gần 320 hải lý, đảo Nam Yết có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và phòng thủ quần đảo. Ngày 27/4/1975, bộ đội Việt Nam đã giải phóng, đóng giữ đảo Nam Yết. Không giống như suy nghĩ của tôi khi chưa đến Trường Sa là nắng to, gió lớn và sóng lừng bởi màu xanh tươi mát của cây cối, hoa lá đủ loại trên đảo Nam Yết, đặc biệt là nhiều cây bàng vuông, cây phong ba và cây tra, cây nhàu - những loại cây lá dày, độ che phủ tốt, nhiều bóng mát, ít cần nước và có sức chịu đựng nắng gió giữa biển khơi. Gần đây, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Viện Ứng dụng công nghệ - Bộ Khoa học Công nghệ, trên đảo đã và đang ươm trồng thử nghiệm cả loại xương rồng Nopal - một loại cây chịu hạn, chịu mặn cực giỏi và bản thân chúng có thể sử dụng để ăn như một loại rau xanh. Thú vị nhất là ngay dưới bóng cây bàng vuông cổ thụ, chúng tôi cứ mỗi người được thưởng thức vị thơm ngon, ngọt ngào của những trái dừa tươi xanh do bộ đội Trường Sa trồng ngay trên đảo. Phải chăng dừa ở Trường Sa ngon và ngọt hơn rất nhiều so với dừa trong đất liền!

|
Xới đất trồng rau |
Theo thượng tá Ngô Văn Cải - đảo trưởng: Hơn 32 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đảo Nam Yết luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ hy sinh, xây dựng đơn vị lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Năm 2004, đảo được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Vừa qua, cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã tổ chức hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

|
Chơi thể thao |
Sau khi tặng quà các cán bộ, chiến sỹ đảo Nam Yết và kết thúc buổi giao lưu văn nghệ đầy ấn tượng và nghĩa tình giữa đoàn nghệ thuật Hải quân với bộ đội trên đảo, đoàn công tác lại trở về tàu HQ 996 để đến với đảo Sinh Tồn Đông.
Cách đất liền gần 300 hải lý, Sinh Tồn Đông là một trong những nơi “đầu sóng ngọn gió” trên quần đảo Trường Sa. Nơi đây khí hậu rất khắc nghiệt, nên cán bộ và chiến sỹ trên đảo rất vất vả và kỳ công che chắn gió cho các khu vườn nho nhỏ để có được rau xanh ăn hàng ngày. Tâm sự với chúng tôi, chiến sỹ Nguyễn Văn Thọ, sinh năm 1984 tại Thiệu Thành, Thiệu Hóa, Thanh Hóa nói: Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tháng 2/2004 em nhập ngũ vào quân chủng Hải quân và kết thúc thời gian học tập, huấn luyện trong đất liền, em đã vinh dự được ra đảo với nhiệm vụ vẻ vang là bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Biết em có nguyện vọng thi vào Học viện Hải quân khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, các cán bộ và đồng đội trên đảo đã tạo điều kiện cho em ôn thi.

|
Sẵn sàng chiến đấu |
Lưu luyến chia tay các cán bộ, chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến thăm bộ đội Trường Sa đóng trên đảo Tiên Nữ. Đây là một đảo chìm trong quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh gần 400 hải lý, cách đảo Tốc Tan khoảng 33 hải lý về phía Đông, chiều dài chừng 9 km, chiều rộng gần 8 km, cao trung bình 0,3 mét. Đảo Tiên Nữ là một vành đai san hô khép kín, khi thủy triều xuống còn khoảng 0,7 mét, có những gờ san hô nổi lên, nhiều và cao nhất là rìa Bắc và rìa Đông của đảo. Khi thủy triều xuống còn 0,1 mét, toàn bộ vành đai ngoài mép san hô đều nổi cao lên, có thể đi bộ quanh đảo. Thềm san hô quanh đảo có chiều rộng từ 300 - 500 mét. Phía trong vành đai san hô là hồ với chiều dài khoảng 7,5 km, chiều rộng chừng 3,4 km. Theo thượng úy Cao Hồng Hải (quê Hải Phòng) - đảo phó quân sự cho biết: mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vất vả trong hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và trong sinh hoạt do điều kiện khó khăn và khắc nghiệt về địa lý, thời tiết, khí hậu nhưng cán bộ, chiến sỹ đảo Tiên Nữ luôn xác định tốt nhiệm vụ, vững vàng về tư tưởng, chính trị, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, đề cao tinh thần cảnh giác, xây dựng ý chí quyết tâm, đoàn kết một lòng, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt công tác huấn luyện và rèn luyện kỷ luật, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống. Và, một điều rất ngạc nhiên, chúng tôi thấy trên đảo có rất nhiều chó. Những chú chó thông minh, nhanh nhẹn và rất tình nghĩa này đã trở thành các bạn thân thiết và đáng yêu của bộ đội Trường Sa. Mỗi chú khuyển được gọi bằng một cái tên khá mỹ miều. Có lẽ, đây cũng là một trong những loại vật nuôi gắn bó với lính đảo, kể cả những lúc tập luyện, những giờ đi gác cũng như những lúc vui chơi và tắm biển.
Thật là may mắn, nhờ thời tiết thuận lợi, trời yên biển lặng nên đoàn chúng tôi lại được lên thăm tiếp cán bộ, chiến sỹ trên hai đảo chìm Núi Le và Đá Tây. Đảo Núi Le là bãi đá san hô ngầm, cách Cam Ranh hơn 300 hải lý và cách đảo Tốc Tan 6,5 hải lý về phía Đông. Đảo nằm dài theo hướng Bắc - Nam, chiều dài khoảng 10 km, rộng chừng 5 km và có thảm san hô xung quanh tương đối khép kín, bên trong là hồ với chiều dài 8,3 hải lý và rộng 3,5 hải lý. Qua báo cáo của đảo trưởng đảo Núi Le - thiếu tá Trần Hồng Sơn, chúng tôi nhận thấy rằng, tuy còn muôn vàn khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là tình cảm của người thân trong đất liền nhưng cán bộ, chiến sỹ đảo Núi Le thực sự là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội cụ Hồ”, người cán bộ, chiến sỹ hải quân ưu tú. Từ trong khó khăn khốc liệt, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện và bảo vệ chủ quyền biển đảo các cán bộ, chiến sỹ đảo Núi Le cùng với bộ đội hải quân Trường Sa xây nên truyền thống “Đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì, cảnh giác, giữ vững chủ quyền”.
Đảo Đá Tây nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Trường Sa khoảng 22 hải lý về phía Đông Bắc, là một trong những đảo có vị trí quan trọng trên quần đảo. Đảo Đá Tây có dạng hình quả trám, nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, ở giữa là lòng hồ có độ sâu không đều. Chiều dài đảo phân ra thành 4 đảo nhỏ riêng biệt được ngăn cách bằng các luồng. Ở bãi san hô phía Đông có một doi cát nổi lên, chỗ cao nhất khoảng 0,7m. Điểm nổi bật trên đảo này là ngoài các điểm Đá Tây (A, B, C) đã có một điểm trên biển và một cảng dịch vụ nghề cá. Sự hiện diện của Tổng Công ty Hải sản Biển Đông - khu hậu cần nghề cá, Công ty Hải sản Trường Sa và dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây đã trở thành chỗ dựa – tránh bão và là nơi cung cấp xăng dầu, nước ngọt, rau xanh, muối, lưới... cho các đoàn tàu đánh cá và ngư dân trên biển.
Có lẽ, ấn tượng sâu sắc nhất của đoàn là đến với đảo Trường Sa lớn - thị trấn của huyện đảo Trường Sa - một thị trấn nơi tiền tiêu của Tổ quốc nhưng cảnh quan, môi trường rất xanh, sạch và đẹp. Mới 6 giờ sáng, khi tàu HQ 996 chuẩn bị cập bến, chúng tôi đã thấy các cán bộ, chiến sỹ đứng thành hàng trên cầu tàu chào đón đoàn... Và, tại chân cột mốc chủ quyền, đảo trưởng - thượng tá Nguyễn Đại Dương đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2006 và quý I năm nay của đảo Trường Sa. Với kết quả đạt được, đảo Trường Sa đã được Tư lệnh Hải quân tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng cấp quân chủng và Cờ đơn vị huấn luyện giỏi 5 năm liền (2001 - 2006), Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thiếu tướng Phan Khuê Tảo, đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân và đại diện các đoàn đã tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Được dự bữa cơm thân mật trên đảo do lính đảo "đạo diễn và thể hiện" chúng tôi vô cùng cảm động, bởi sự khéo léo và chu đáo của các anh nuôi thể hiện trên mâm cơm với những món ăn cá, thịt, trứng, rau rất hợp khẩu vị như trong gia đình.
Gặp gỡ và trao đổi với thượng úy Nguyễn Văn Minh - phân đội trưởng phân đội 2 cụm 1, chúng tôi được biết: ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, hằng ngày cán bộ, chiến sỹ trên đảo còn dành thời gian vui chơi thể thao, tập văn nghệ... và, đặc biệt là trên đảo đã tổ chức lớp học tiếng Anh cho 28 người theo học các chương trình A, B, C do trung tá - bác sỹ Trần Hồng Quang bệnh xá trưởng làm giảng viên.
Đêm giao lưu văn nghệ với những bài hát trữ tình, sâu lắng như “Gần lắm Trường Sa”; “Hoa và cát”; “Lời của gió”... do các ca sỹ đoàn nghệ thuật Hải quân trình bày như Thanh Thủy, Quang Long... và Phương Anh song ca cùng chiến sỹ Mạnh Tiến hay những điệu múa dân tộc đặc sắc, điệu nhảy hiện đại; đặc biệt là bài “Làng toàn là lính” do tốp ca nam Văn Minh, Hải Triều và Hoàng Tùng – cán bộ, chiến sỹ trên đảo biểu diễn đã gây được tình cảm và ấn tượng sâu đậm giữa bộ đội Trường Sa và đoàn chúng tôi trong giờ phút chia tay đầy lưu luyến và cảm động.
Với phương châm: mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, đến mỗi đảo, chúng tôi đều nhận thấy các cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo Trường Sa đã luôn nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc; từ trong khó khăn khốc liệt, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
MAI LINH