Ngôi trường mang tên Bác luôn tiên phong
Đại học Nguyễn Tất Thành - ngôi trường mang tên Bác luôn tiên phong trong các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học và hướng đến phục vụ cộng đồng. Với phương châm: Thực học - Thực hành - Thực danh - Thực nghiệp, trường cũng là đơn vị luôn đi đầu trong các hoạt động mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho người học ở tất cả các bậc học, ngành học.
Nhiều năm qua, trường đã mở ra nhiều ngành học đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tại khu vực phía Nam. Điển hình là Thạc sĩ Du lịch - với mã ngành đầu tiên tại phía Nam. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo nhà trường cũng như Khoa Du lịch và Việt Nam học. Sự ra đời của ngành Du lịch bậc Thạc sĩ đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người học trong bối cảnh du lịch đang khát nhân lực ở trình độ cao. Đồng thời, cung cấp lượng lớn đội ngũ đầu vào chất lượng cao cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp… về du lịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, hoặc cán bộ, lãnh đạo tại các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp về du lịch…
Hiện nay, trường đang tiên phong để mở ngành Tiến sĩ Du lịch đầu tiên tại khu vực phía Nam. Sự tiên phong này ghi dấu ấn rõ nét về vai trò của nhà trường trong các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học và hướng đến phục vụ cộng đồng. Như vậy, bậc đào tạo Tiến sĩ tại trường sẽ lên thành 2 ngành, sau Công nghệ thông tin sẽ là Du lịch. Dự kiến, khoảng giữa năm 2023, ngành học Tiến sĩ Du lịch đầu tiên tại phía Nam sẽ ra đời.
Về đào tạo Tiến sĩ Du lịch, hiện nay, chỉ có tại Khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXHNV (ĐHQG Hà Nội) nằm ở phía Bắc, miền Trung có Trường Du lịch – Đại học Huế. Trong khi đó miền Nam, có TP. Hồ Chí Minh, nơi được coi là đầu tàu kinh tế, là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước với tốc độ tăng trưởng ổn định, lại chưa có cơ sở đào tạo Tiến sĩ Du lịch.
Giải cơn khát về nhân lực
Đào tạo Tiến sĩ Du lịch đang là nhu cầu bức thiết trong bối cảnh nhu cầu về nguồn nhân lực cao trong ngành “công nghiệp không khói” ngày càng tăng. Theo thống kê mới đây của Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), mỗi năm toàn ngành Du lịch cần thêm khoảng 40.000 lao động.
Tuy nhiên, lượng học sinh, sinh viên ngành này ra trường mỗi năm khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng trở lên. Nhân sự ngành Du lịch có học vị càng cao (đại học, thạc sĩ, đặc biệt là tiến sĩ) lại càng trở nên “hiếm có, khó tìm”.
Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khu vực này sẽ phát triển trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch...
Cùng với tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, công nghệ số, viễn thông, khoa học – công nghệ, logistics, thì du lịch cũng là lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên, nhất là việc phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
PGS. TS. Huỳnh Quốc Thắng (ĐHKHXH&NV TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao mang ý nghĩa chiến lược trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới. Hợp tác đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, phát triển sản phẩm du lịch trên nền tảng kỹ năng của nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn của khu vực, thế giới là các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả đào tạo, sử dụng, phát huy nguồn nhân lực du lịch.
|
Phong Vân - Đinh Nam