Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị Di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy nêu rõ, tỉnh Bạc Liêu có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận có nhiều nhất điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL so với các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Tây - Nam bộ. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt như: du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến đang là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách. Chính vì thế, các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp truyền thống, các mô hình du lịch sinh thái vườn đang được ngành Du lịch Bạc Liêu chú trọng xây dựng và phát triển.
Những năm qua, ngành Du lịch Bạc Liêu có bước phát triển khá, hằng năm lượng khách tăng trung bình 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng khoảng 20%; tính về số lượng khách hàng năm và tổng thu từ ngành Du lịch, Bạc Liêu đứng thứ 5 trong khu vực ĐBSCL.
Thượng tọa Dương Quân - Trụ trì chùa Xiêm Cán Bạc Liêu là người có nhiều tâm huyết cho Du lịch Bạc Liêu cũng như việc phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực vườn nhãn bày tỏ, năm nay Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Xiêm Cán được công nhận là điểm du lịch thứ 10 của tỉnh Bạc Liêu chính là niềm vui mừng và vinh dự của nhà chùa.
Tại hội thảo, sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết, hội thảo tổ chức nhằm tiếp thu ý kiến quan trọng của các chuyên gia tư vấn, các doanh nghiệp du lịch, các Sở, Ngành địa phương trong quản lý, kinh doanh du lịch, xây dựng và định hướng phát triển du lịch cộng đồng khu vực vườn nhãn, chùa Xiêm Cán và vùng phụ cận ven biển. Những ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở để tỉnh Bạc Liêu có những giải pháp phù hợp sớm hoàn thiện dự thảo đề án và định hướng xây dựng, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer khu vực vườn nhãn và chùa Xiêm Cán Bạc Liêu. Với kỳ vọng Du lịch Bạc Liêu ngày càng khởi sắc, có nhiều thay đổi, bứt phá đi lên của ngành công nghiệp không khói ở Bạc Liêu.
Nhân dịp này, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng đã ra Quyết định công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL; lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng đã trao tặng Bằng khen cho Thượng tọa Dương Quân - Trụ trì chùa Xiêm Cán và tập thể Ban Quản trị chùa đã có thành tích trong công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch bền vững.
Được biết, Di tích kiến trúc nghệ thuật Wotkomphisakoprekchru (tên thường gọi là chùa Xiêm Cán) tọa lạc tại ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 12km về hướng Đông Nam, chùa Xiêm Cán được khởi công xây dựng tháng 3 năm 1887 – PL 2430 trên diện tích rộng gần 50.000m2, mang kiến trúc Angkor Khmer truyền thống, là một di tích văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Bạc Liêu. Đây là một địa chỉ tham quan du lịch đặc sắc của du khách trong nước và quốc tế khi đặt chân đến vùng đất Bạc Liêu. Hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia, nhất là dịp nghỉ hè và các dịp ngày lễ, tết hằng năm.
Trần Lợi