Hợp tác thu hút khách quốc tế
Hội thảo “Hợp tác hàng không – du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế” được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng phát triển du lịch Việt Nam; quá trình hợp tác giữa ngành Hàng không và Du lịch tỏng bối cảnh bình thường mới, đặc biệt là trong việc thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam sau dịch COVID-19. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hội thảo cũng góp phần triển khai cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15/3 vừa qua về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, sau khi mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, sự phối hợp tích cực của ngành Hàng không - Du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng: khách du lịch nội địa tăng kỷ lục, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tăng đáng kể, nhận thức của toàn xã hội về ngành Du lịch có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022 chưa được như kỳ vọng, chỉ đạt 3,5 triệu lượt (70% so với kế hoạch đề ra và bằng 19% so với kết quả năm 2019); quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2.699.500 lượt (60% so với cùng kỳ năm 2019).
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, để đạt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa, tổng thu khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, cần tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hàng không với du lịch trong thời gian tới. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch.
“Tăng cường ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ cung ứng. Phát triển nhiều sản phẩm thông minh và tiện ích giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng; hệ thống vé điện tử, hệ thống kiểm soát ra vào tự động, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử... Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; đề xuất các chính sách hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp hàng không và du lịch nhanh chóng khắc phục hậu quả do COVID-19 để lại; tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp ngành Hàng không, Du lịch thu hút thêm khách quốc tế, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế đầu tư phát triển kinh tế nói chung, phát triển ngành hàng không Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong việc mở rộng chuỗi cung ứng của Ngành. Bên cạnh đó, cần phối hợp tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; giới thiệu các ấn phẩm, tài liệu quảng bá, trao đổi thông tin nghiên cứu thị trường; hợp tác tham gia hội chợ du lịch quốc tế, các chương trình phát động điểm đến ở nước ngoài, các đoàn khảo sát điểm đến, các sự kiện du lịch trong và ngoài nước” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cũng có cái nhìn tương tự. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cho rằng, Cục Hàng không cần có cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện cho việc phát triển các đường bay mới; các địa phương và các hãng hàng không cần tăng cường hợp tác trong quảng bá, xúc tiến. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có chính sách giá vé máy bay cho các công ty du lịch và khách du lịch phù hợp. “Nghiên cứu mở các đường bay mới, tăng tần suất chuyến bay từ các thị trường khách trọng điểm đến sân bay quốc tế Cam Ranh cũng như các địa phương trong cả nước để thu hút khách; ưu tiên cho các địa phương du lịch trọng điểm của khu vực nhằm phát huy vai trò liên kết vùng, liên kết khu vực. Các hãng hàng không cũng cần đồng hành với ngành Du lịch, tăng cường sự hợp tác thông qua hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá; xây dựng chính sách hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ và ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau một cách hiệu quả. Tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, khẳng định vai trò hàng không và du lịch, hướng tới mục tiêu là đối tác chiến lược của nhau trong quá trình hoạt động và phát triển bền vững” - bà Nguyễn Thị Lệ Thanh bày tỏ quan điểm.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, những năm qua, ngành Hàng không và Du lịch luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2119/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế; Quyết định số 105/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 147/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. “Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với Du lịch Việt Nam, đưa du lịch Việt Nam bước lên con đường phát triển bứt phá, tạo sự thống nhất trong tư duy, hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch” - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam
Báo cáo thường kỳ của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố hồi tháng 1/2023 cho thấy ngành Du lịch thế giới đã phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong năm 2022. Điều này là nhờ các nước đã tích cực mở cửa biên giới, nới lỏng các hạn chế đi lại và nhu cầu du lịch của công dân toàn cầu tăng cao sau đại dịch. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh; ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các trải nghiệm “không chạm” và thông suốt cho khách du lịch, giúp tiết kiệm thời gian cũng như hạn chế tương tác trực tiếp trong giai đoạn đại dịch (quét sinh trắc học, sử dụng thẻ đi lại số, check-in phòng ở và nhận chìa khóa phòng trên app di động, sử dụng robot dọn dẹp và vận chuyển hành lý...). Ngày 8/1, Trung Quốc đã mở cửa toàn diện hoạt động du lịch đã đem lại nhiều hy vọng và cơ hội cho ngành Du lịch các nước trên thế giới.
Để tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam, trong năm 2022, ngay sau khi hoạt động du lịch được mở trở lại từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế tới du lịch Việt Nam như: khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19; dừng việc khai báo y tế về COVID-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022 và cho phép du khách quốc tế tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh từ 15/5/2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, sau Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày 21/12/2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 vào ngày 15/3 vừa qua, Lãnh đạo Chính phủ đã có những chủ trương mới về việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sẽ trình Quốc hội xem xét đưa vào nội dung của Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 sắp tới. “Cụ thể là sẽ xem xét việc nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu. Cùng đó, ngày 30/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu “Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững”. Nghị quyết nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phạm Minh Chính tại Hội nghị Du lịch toàn quốc, đó là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”” - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chia sẻ.
Xây dựng sản phẩm theo xu hướng mới
Nghiên cứu của UNWTO đã chỉ ra, khách du lịch đang có nhiều thay đổi về hành vi du lịch, đòi hỏi các doanh nghiệp và điểm đến phải thích ứng. Du khách đã linh hoạt hơn trong việc lập kế hoạch và đặt dịch vụ để có thể dễ dàng thay đổi nếu cần thiết; ưu tiên các điểm đến ven biển, nông thôn đề tránh đám đông; giới hạn quy mô du lịch ở nhóm nhỏ chỉ có gia đình, bạn bè; lựa chọn chỗ ở có sự riêng tư để giảm thiểu tương tác với người lạ. Du khách quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần; tìm cách giảm thiểu chi phí tổng thể bằng cách so sánh và đặt dịch vụ trực tuyến. Tỉ trọng khách trẻ tuổi nhiều hơn do lứa tuổi này nhận thức tốt hơn về việc giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh… Nghiên cứu của UNWTO cũng cho rằng, khách du lịch có xu hướng tìm kiếm những tour, sản phẩm du lịch xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra và đi du lịch gần nhà để phù hợp với môi trường kinh tế đầy khó khăn. Khách du lịch cũng có yêu cầu cao hơn với chất lượng trải nghiệm, mức độ bền vững và có trách nhiệm đối với tất cả các mặt của ngành du lịch như hàng không, lưu trú, ẩm thực.
Hiện nay, du khách quan tâm hơn đến yếu tố an toàn và tốt cho sức khoẻ, điều kiện y tế của điểm đến khi đi du lịch, đồng thời chú ý đến việc mua bảo hiểm du lịch và xem xét các chính sách hoãn hủy chuyến do đại dịch. Các sản phẩm du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch sinh thái được tìm hiểu nhiều hơn; khách du lịch có xu hướng lựa chọn các khu vực ngoài trời, thông thoáng khi đi nghỉ dưỡng. Các sản phẩm du lịch ẩm thực được chứng nhận tốt cho sức khoẻ, sử dụng nguyên liệu hữu cơ cũng trở thành lựa chọn phổ biến hơn. Bên cạnh các xu hướng trên là sự trở lại và thay đổi của du lịch công vụ; sự nổi lên của các điểm đến mới; xu hướng khám phá lại du lịch nội địa và xu hướng khách du lịch trẻ đang ngày một tăng đặt ra yêu cầu mới đối với đội ngũ lao động trong ngành Du lịch, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch sau dịch và chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch bằng nhiều giải pháp.
Theo ông Bùi Minh Đăng - Phó trưởng phòng Vận tải hàng không - Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn hè 2023, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục. Hiện có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ với Việt Nam; ngoại trừ thị trường Nga, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã cơ bản khôi phục lại toàn bộ các đường bay đến các điểm đến như giai đoạn trước dịch. Đặc biệt, các hãng hàng không Việt Nam cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan; các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch.
“Hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam không bó hẹp ở các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất mà đã được khôi phục và mở rộng ở các cảng hàng không quốc tế khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt. Tính cho cả năm 2023, dự báo thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đạt khoảng 34 triệu khách, bằng xấp xỉ 84% so năm 2019” - ông Bùi Minh Đăng cho biết thêm.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh nhận định, để xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là chú trọng phát triển sản phẩm du lịch tạo sức hút cho điểm đến. “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Khánh Hòa cũng như các địa phương cần liên kết hợp tác; có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch bền vững; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm nhằm giảm thiểu tính mùa vụ, xây dựng và khai thác tối đa hiệu quả của kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch. Tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, kết nối sức mạnh của các doanh nghiệp nhằm xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại; phát triển những sản phẩm dịch vụ du lịch có chất lượng, có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được thị hiếu của du khách quốc tế và nội địa, thu hút khách có mức chi tiêu cao. Chú trọng công tác chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch để gắn kết phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo nhằm tăng trải nghiệm du lịch cho du khách” - bà Nguyễn Thị Lệ Thanh kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Văn Tấn - Ủy viên thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành Hàng không và Du lịch cần xác định các thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu cụ thể, từ đó phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch quảng bá – tiếp thị phù hợp; phối hợp các kênh bán hàng để tạo ra các sản phẩm cùng chuẩn, xuyên suốt hành trình du lịch của khách. “Chúng ta cần tính toán đến hai điểm đến cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan và Singapore cho các thị trường châu Âu, Úc và Mỹ; cần học hỏi kinh nghiệm của điểm đến Haiwaii về du lịch biển đối với thị trường Nhật” - ông Nguyễn Văn Tấn đưa ra sáng kiến.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lữ hành Saigontourist (Saigontourist) khẳng định, sản phẩm du lịch đóng vai trò mấu chốt và thiết yếu trong việc đối phó và thích ứng với tình hình khó hiện nay. Do đó, cần linh hoạt đầu tư xây dựng mới các nhóm sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường khách quốc tế và triển khai hiệu quả các biện pháp quảng bá điểm đến Việt Nam tại các thị trường trọng điểm trong giai đoạn 2022-2025. “Saigontourist đã đổi mới gần như hoàn toàn hệ thống sản phẩm du lịch cho du khách quốc tế trên cơ sở cập nhật thông tin từ hơn 400 đối tác tại các thị trường nguồn trên toàn cầu. Nhu cầu về sản phẩm du lịch của du khách quốc tế thay đổi trên nhiều phương diện, đặc biệt chú trọng đến dòng sản phẩm du lịch bao hàm các giá trị cộng thêm về sức khỏe tinh thần; đảm bảo yếu tố sức khỏe của bản thân, gắn kết với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững; kết hợp gia tăng hàm lượng giá trị văn hóa và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương và trải nghiệm ẩm thực truyền thống, nghệ thuật văn hóa dân gian. Bên cạnh đó là các loại hình du lịch sử dụng dịch vụ cao cấp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch tự do. Đặc biệt là xu hướng mạnh mẽ của việc áp dụng công nghệ 4.0 giúp du khách dễ dàng tự book dịch vụ, tự đi tour, xu hướng du lịch không chạm với quy trình online khi mua tour, thủ tục check-in, thanh toán, khai báo hải quan điện tử...” - ông Nguyễn Hữu Y Yên chia sẻ.
Phước Hà