Chú trọng đảm bảo chất lượng ẩm thực
Thái Lan là một ví dụ điển hình về một quốc gia luôn chú trọng bảo vệ văn hóa ẩm thực và an toàn thực phẩm. Chính phủ Thái Lan khẳng định sẽ nỗ lực hỗ trợ đến mức tối đa các hộ kinh doanh thực phẩm để nâng tầm hình ảnh ẩm thực Thái Lan trong mắt bạn bè quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã xây dựng các tiêu chuẩn đối với hàng nông sản được áp dụng cho ba nhóm bao gồm thực vật, động vật nuôi và cá, được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn quốc tế. Chính phủ ban hành chương trình an toàn thực phẩm quốc gia (National Food Safety Program) và xây dựng hệ thống kiểm soát thực phẩm để nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho thực phẩm. Theo đạo luật thực phẩm Food Act B.E. 2522 (1979), các vi phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ vi phạm các điều khoản. Mức hình phạt tối đa lên tới 100 nghìn Bạt và hình phạt tù tối đa 10 năm.
Năm 1999 dự án “Clean Food Good Taste” (tạm dịch: Thức ăn sạch, vị ngon) đã được thực hiện và rất thành công. Các cơ sở chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp logo “Clean Food Good Taste”. Điều này giúp Chính phủ kiểm soát tốt hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo tâm lý an tâm cho thực khách, đồng thời quảng bá nền ẩm thực với du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2004, Chính phủ Thái Lan phát động là “năm an toàn thực phẩm” để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quan tâm tới sức khỏe con người.
Theo thống kê năm 2018, hơn 80% trong tổng số hơn 93.000 quầy thực phẩm đường phố Thái Lan đáp ứng được những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm sau khi khảo sát.
Năm 2019, Bộ Y tế Thái Lan đã phát động một chiến dịch an toàn thực phẩm “bình thường mới” nhằm duy trì các biện pháp vệ sinh ở tất cả các khâu: từ chuẩn bị, nấu nướng, phục vụ và bán đồ ăn đường phố. Những người bán hàng rong và các khu chợ này phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh và đảm bảo sức khỏe, bán các món ăn ngon với giá phải chăng, có bảng giá rõ ràng và bảng tên cửa hàng, tên các sản phẩm hữu cơ được bán… Mục đích của chiến dịch này là giúp tăng cường niềm tin của khách hàng về chất lượng và vệ sinh thực phẩm, giúp quảng bá du lịch để thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan, hỗ trợ người bán hàng ăn đường phố xây dựng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
|
Nguồn: Internet |
Định hướng đưa thương hiệu ẩm thực Thái ra nước ngoài
Chính phủ Thái Lan có cả một chương trình “lobby” cho ẩm thực hay còn gọi là “ngoại giao bếp núc”, “ngoại giao ẩm thực” nhằm tăng cường sự hiện diện của ẩm thực Thái Lan bên ngoài lãnh thổ. Từ năm 2001, Thái Lan thành lập Công ty Nhà hàng Thái Lan toàn cầu (Global Thai Restaurant Company, Ltd.) với mục tiêu mở được ít nhất 3.000 nhà hàng của họ trên toàn thế giới để biến chuỗi nhà hàng Thái Lan thành một thương hiệu quốc tế giống như McDonald’s. Để thu hút khách hàng tốt hơn, họ đã nghiên cứu và xây dựng các mô hình nhà hàng khác nhau, mức giá khác nhau như mô hình Elephant Jump dành cho thực khách có nhu cầu ăn nhanh với giá từ 5 - 15USD/người, mô hình Cool Basil dành cho những lựa chọn có mức giá trung bình từ 15 - 25USD/người và mô hình Golden Leaf với mức giá mỗi thực khách từ 25 - 30USD/người.
Tất cả các cơ quan của Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu ẩm thực Thái Lan ở bên ngoài lãnh thổ. Phòng xúc tiến xuất khẩu tìm những đối tượng phù hợp và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa chính quyền Thái Lan và người kinh doanh tại nước ngoài, tiến hành khảo sát thị trường về ẩm thực địa phương trên toàn cầu, sau đó cử đầu bếp Thái Lan ra nước ngoài để dạy nghề tại các nhà hàng ở nước ngoài. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan sẵn sàng rót vốn cho các công dân Thái Lan muốn mở nhà hàng tại nước ngoài. Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp, Viện Thực phẩm quốc gia Thái Lan, Đại học công lập Kasetsart và Bộ Nông nghiệp tham gia quá trình quảng bá ẩm thực Thái Lan ra quốc tế… Năm 2002, Bộ Y tế cộng đồng Thái Lan xuất bản cuốn sách Sổ tay hướng dẫn cho các đầu bếp Thái Lan khi ra nước ngoài (A Manual for Thai Chefs Going Abroad). Đây có thể coi là cuốn cẩm nang cung cấp thông tin về tuyển dụng nhân sự, đào tạo nghề và thậm chí cả kiến thức về thị hiếu ẩm thực của người nước ngoài.
Dự án “Thai SELECT” của Bộ Thương mại đã được triển khai để chứng nhận và quảng bá ẩm thực Thái Lan đích thực trên toàn thế giới. Chứng nhận “Thai SELECT” được trao cho các nhà hàng phục vụ đồ ăn Thái Lan dựa trên các tiêu chí về loại hình nhà hàng, cách thức trang trí và thiết kế, mức độ xuất sắc của món ăn và dịch vụ. Theo đó, có 4 chứng nhận Thai SELECT cho nhà hàng ở Thái Lan và nước ngoài bao gồm: Thai SELECT Signature; Thai SELECT Classic; Thai SELECT Casual và Thai SELECT Unique. Hiện tại đã có hàng ngàn nhà hàng Thái Lan ở khắp thế giới được trao bằng chứng nhận “Thai SELECT “ của Bộ Thương mại Thái Lan để khẳng định tính “chính danh” cũng như chất lượng của chúng. “Thai SELECT” còn được trao cho các sản phẩm thực phẩm như cà ri Thái Lan ăn liền, gia vị, đồ tráng miệng được chế biến theo phong cách truyền thống và chuẩn vị Thái Lan. Các sản phẩm này dễ dàng được nhận biết là thực phẩm Thái Lan, được đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế và vẫn giữ được chất lượng tốt khi đến tay người tiêu dùng.
|
Nguồn: Internet |
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu ẩm thực trong nước
Ngoài những tuần lễ ẩm thực, hàng năm Chính phủ Thái Lan đều thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy hình ảnh ẩm thực quốc gia đến toàn thế giới như chiến dịch Bangkok Fashion City, Health Hub of Asia từ năm 2005 đến 2010 để quảng bá nền ẩm thực Thái.
Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan đã xúc tiến chiến dịch “Pracharatch” kéo dài 3 tháng với danh sách khoảng 11 chiến lược “quick - win” (những việc cần làm ngay) trong đó có việc tập trung quảng bá du lịch Thái Lan bằng ẩm thực. Để làm điều này, tất cả các hãng hàng không như Thai Airways, Bangkok Airways và Thai Smile Airways phát những đoạn video về ẩm thực trên các chuyến bay và du khách được thưởng thức những món ăn từ các nữ tiếp viên xinh đẹp.
Trên các trang mạng xã hội của Thái Lan, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về văn hóa Thái Lan đã đưa ra danh sách 12 món ăn mà du khách không thể bỏ qua khi lần đầu đặt chân đến xứ sở chùa Vàng. Khẩu hiệu “Thailand: Kitchen of the World” chỉ là một trong rất nhiều những ý tưởng khai thác du lịch từ ẩm thực mà ngành Du lịch Thái Lan đã thực hiện, mở đường cho các sản phẩm mang thương hiệu “Thai Brand” được du khách thế giới yêu thích.
Năm 2019, Văn phòng Đối ngoại thuộc Cục Quan hệ công chúng Thái Lan (PRD) đã tổ chức sự kiện triển lãm về ẩm thực Thái nhằm không chỉ giới thiệu những nét đặc sắc trong ẩm thực Thái Lan mà còn hướng dẫn khách mời cách nấu các món đặc sản của Thái Lan như cà-ri Massaman, mì Pad thai, Thung thong… Bên cạnh đó, triển lãm cũng giúp quảng bá hình ảnh thân thiện của đất nước Thái Lan, thúc đẩy quan hệ giữa PRD và mạng lưới các tổ chức quốc tế.
Ngày 23/1/2023, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã chỉ đạo tích cực thúc đẩy Chiến lược “quyền lực mềm” gọi là “5Fs” thông qua ẩm thực. Chính phủ Thái Lan xác định năm 2023 là “Năm ẩm thực Thái Lan”, trong đó dự kiến sẽ tổ chức Lễ hội ẩm thực quốc tế Bangkok, xây dựng các tuyến phố đi bộ gắn liền với phố ẩm thực nhằm nhân rộng, quảng bá ẩm thực Thái Lan ra toàn thế giới.
Với tất cả những biện pháp trên, hiện nay Thái Lan đã có hơn 15.000 nhà hàng lớn nhỏ trên toàn thế giới. Các món ăn Thái Lan đã được thực khách đón nhận. Ẩm thực Thái Lan đã khẳng định được vị thế thương hiệu quốc tế. Thông qua phát triển ẩm thực, Thái Lan cũng thúc đẩy phát triển, quảng bá ngành Du lịch với toàn thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. https://vietnamnet.vn/vi-sao-thai-lan-co-the-bien-am-thuc-duong-pho-thanh-bieu-tuong-du-lich-787301.html
2. https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-dich-xay-dung-long-tin-vao-thuc-an-duong-pho-o-thai-lan-20220723105840560.htm
3. https://www.sggp.org.vn/thai-lan-tung-chien-luoc-moi-hut-du-khach-post676951.html
4. https://moit.gov.vn/tin-tuc/quoc-te/kinh-nghiem-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-cua-thai-lan.ht
Bùi Xuân Thắng
(Tạp chí Du lịch tháng 3/2023)