Du khách đã từng lên cao nguyên đá Hà Giang đều nhận thấy vùng đất này thật hấp dẫn, mùa nào cũng đầy mê hoặc. Trải qua thời gian, nơi đây vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, tín ngưỡng với nét ẩm thực độc đáo cùng cảnh quan, môi trường thiên nhiên vẫn giữ nhiều nét hoang sơ. Cao nguyên đá quanh năm quyến rũ bởi các loài hoa nhưng có lẽ vào độ xuân về là lúc cả đất trời cao nguyên đá bung nở rộ nhất. Dọc các con đường tới Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc…, du khách sẽ vô cùng thích thú được ngắm nhìn, khám phá các sắc màu của hoa với sắc vàng hoa cải, sắc đỏ hoa đào, sắc trắng hoa mận, hoa lê cùng nhiều sắc màu xanh, đỏ, trắng của những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ các dân tộc xúng xính xuống chợ.
Khi đến với cao nguyên đá, du khách đều thích thú được tìm hiểu, khám phá những ngôi nhà trình tường với mái âm dương của người Mông thật đẹp và lạ mắt. Nơi đây có những ngôi nhà đã tồn tại gần 200 năm. So với nhà trình tường của người Hà Nhì, Lô Lô, Tày, Dao…, nhà trình tường của người Mông nơi đây mang nét đặc trưng riêng đó là hàng rào đá. Những hàng rào đá rất vững chãi dù hoàn toàn được dựng lên từ những viên đá núi. Đặc biệt ấn tượng trong những ngày Tết là sắc màu nở rộ của hoa đào, hoa mận, hoa mơ, hoa cải hòa cùng cùng màu xám của hàng rào đá và màu nâu vàng của ngôi nhà trình tường, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động.
Lên cao nguyên đá ngày xuân, du khách có thể tìm hiểu, khám phá nét độc đáo trong phong tục ngày Tết của đồng bào các dân tộc, tiêu biểu là dân tộc Mông. Cũng như nhiều dân tộc, Tết với đồng bào dân tộc Mông hết sức quan trọng, mang nhiều ý nghĩa. Ngày Tết là ngày nghỉ ngơi, ăn uống, hội tụ, gặp gỡ gia đình, đón người thân đi xa trở về, cầu mong cho mọi người sức khỏe, bình an. Những ngày chuẩn bị đón Tết, mọi người mua sắm, dọn dẹp, dâng lễ thờ cúng tổ tiên. Vào sáng mùng 1 Tết, du khách sẽ hòa mình cùng đồng bào dân tộc Mông, trong trang phục truyền thống tham gia các trò chơi ngày Tết như: múa khèn, múa ô, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, đua ngựa, bắn nỏ… Đặc biệt, Tết của người Mông gắn liền với Lễ hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc). Đây là lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm, thể hiện rõ nét đặc trưng của văn hóa Mông trong ngày Tết.
Bên cạnh đó, du khách lên cao nguyên đá có thể khám phá phiên chợ Tết, chiêm ngưỡng những thiếu nữ dân tộc trong trang phục rực rỡ sắc màu, đeo gùi… giới thiệu các loại hàng hóa, nông sản đặc trưng của vùng cao nguyên đá. Du khách cũng có thể cùng các chàng trai dân tộc Mông thưởng thức thắng cố, rượu ngô, rượu tam giác mạch, bánh làm từ hoa tam giác mạch, chung vui trong các điệu múa, tiếng khèn say đắm lòng người.
Thế Dương