1.
Cảm hứng sáng tạo bất tận và bàn tay tài hoa, điêu luyện của những nghệ nhân gốm Bát Tràng đã thổi hồn vào chất đất, chất men để gốm trở nên sinh động, mang đến những cảm nhận thú vị, bất ngờ cho du khách đến thăm làng nghề trong những ngày đầu năm mới. “Chất liệu” tạo cảm hứng không hề cao siêu, trừu tượng, mà rất gần gũi với đời sống, qua cách nhìn thi vị, nhiệt tâm sáng tạo, các nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm ấn tượng cả về mỹ thuật và kỹ thuật, mang đến không gian trưng bày nguồn năng lượng tích cực và tràn đầy hứng khởi.
2.
Điều đặc biệt hơn, những tác phẩm gốm được trưng bày trong không gian gốm của Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt - nơi lưu giữ những tinh hoa, hồn cốt của nghề gốm Bát Tràng tạo cho du khách cảm giác như đang hòa trong không khí sản xuất của làng nghề, như sống cùng với những nghệ nhân làng gốm, cảm nhận rõ hơn về những tinh hoa của nghề gốm cổ truyền. Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt là tâm huyết của bà Hà Thị Vinh. Ý tưởng về một công trình độc đáo thể hiện nét đặc trưng của nghề gốm, thông qua đó tri ân công đức tổ nghề, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của nghề gốm và làng cổ Bát Tràng là động lực để bà triển khai công trình ý nghĩa này. Kiến trúc tòa nhà mô phỏng bàn xoay gốm truyền thống, với 7 trụ xoay, kích thước và kiểu dáng không giống nhau tạo nên sự khác biệt ấn tượng. Nơi đây còn có không gian Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, nơi mà sự kết hợp giữa điêu khắc truyền thống bằng các vật liệu gốm, gỗ, đồng, đá… và ánh sáng tạo nên những tác phẩm tranh ấn tượng và độc đáo. Nhiều hình ảnh nổi bật nhờ kỹ thuật ánh sáng, tạo cho người xem một sự liên tưởng đẹp về cuộc sống, nhân sinh. Tại các gian hàng bày sản phẩm tinh hoa của làng nghề Bát Tràng, du khách có thể tìm kiếm, lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp để trang trí cho phòng khách nhà mình trở nên sống động hơn trong những ngày tết cổ truyền.
3.
Nghệ nhân ưu tú làng nghề gốm Bát Tràng Trần Nam Tước là một trong những nghệ nhân làng nghề đầu tiên của cả nước được phong tặng danh hiệu cao quý này vào năm 2011. Trước đó, năm 2010 - nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh tham gia hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam lần thứ VII Cúp Thăng Long 1.000 năm với tác phẩm “Người con của rồng” và đạt giải Khuyến khích cùng với giải 3 sản phẩm tiêu biểu khác. Dấu ấn của nghệ nhân Trần Nam Tước đậm nét ở dòng gốm linh vật, dòng gốm nghệ thuật điêu khắc phát triển cùng tiến trình lịch sử dân tộc và dòng gốm trang trí kiến trúc hiện đại. Không chỉ đưa những tác phẩm linh vật gốm đến mọi miền đất nước, trong đó có một số tác phẩm nổi bật như “Sơn Nam Thủy tổ” cung tiến tại đền Hùng, Phú Thọ; “Linh nghê” cung tiến tại đền Đô, Bắc Ninh; “Kỳ lân” cung tiến ra đảo Nam Yết, Trường Sa lớn…, Trần Nam Tước còn là một nghệ nhân hiếm hoi xuất khẩu trên 5.000 pho tượng gốm sang Anh quốc (năm 2020). Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Du lịch, nghệ nhân Trần Nam Tước bày tỏ những tình cảm đặc biệt của anh với làng nghề gốm cổ truyền. Anh cho biết, Bát Tràng là một trong số rất ít nơi hội tụ “ngũ linh” (đình, đền, chùa, văn chỉ và miếu). Do vậy, Bát Tràng không chỉ nổi tiếng về gốm mà còn được biết tới là làng khoa bảng, đã từng có trạng nguyên, tiến sỹ, quận công. Làng có rất nhiều sắc phong qua các triều đại, đó là bề dày về văn hóa; gia tộc dòng họ nào ở Bát Tràng cũng giữ được nhà thờ - điều mà ít nơi nào có được.
4.
Nói về trưng bày gốm đầu xuân, nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước cho rằng, đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, không chỉ để những người làm gốm có thêm động lực sáng tạo và đổi mới sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng mà còn tiếp thêm tinh thần cho người làng nghề tạo thêm những giá trị mới của sản phẩm làng gốm Bát Tràng. Đây cũng là dịp để nghệ nhân, người làm gốm giao lưu với du khách trong những ngày đầu xuân…
HÙNG NGUYỄN