Theo chuyến tàu từ Hà Nội đến Lào Cai vào sáng sớm, và tiếp tục lên một chiếc ôtô để đến Sa Pa, tôi mang cảm giác lần đầu chạm gặp.
So với các điểm du lịch ở miền Bắc thì Sa Pa có sức hút rõ rệt bởi vẻ đẹp ảo diệu của nơi này, và gần như mọi người đều tìm cách để một lần đến Sa Pa. Là một huyện miền núi của tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 36km, Sa Pa có độ cao 1.500 - 1.800m, tính ra cao hơn Đà Lạt. Sự tổng hợp của các dân tộc như Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó, Kinh, Hoa đã tạo nên sắc màu cho địa danh du lịch nức tiếng miền Tây Bắc này, tạo ra một không gian lung linh đến lạ.
Tôi ở một khách sạn gần bản Cát Cát. Đi thong thả qua cửa kiểm tra, rồi cứ thế mà đi vào bản làng đang làm du lịch này, qua những gian hàng bán đủ loại thổ cẩm, khăn quàng, ngắm nhìn những người dân quen với từng đoàn người cứ chộn rộn vào nơi chốn của mình. Tôi đã đi vào Cát Cát trong mưa tuôn.
Sa Pa không lớn, chỉ đi bộ dăm phút là hết thị trấn. Nhưng việc đi sâu vào các bản làng dân tộc như Cát Cát, Tả Van, Tả Phìn... là cảm giác tuyệt vời cho cuộc hành trình. Và chỉ là đi bộ. Đi bộ dạo quanh các con phố, đi bộ xuyên qua chợ. Ở đây bán đủ loại đặc sản, nhiều nhất là các loại thuốc trị đủ thứ bệnh, hạt dẻ đã luộc chín hay hạt dẻ rang, táo mèo khô hay táo mèo tươi, các loại rau rừng… Và những lò nướng nhỏ, có bán khoai lang, ngô nướng, thịt nướng, trứng gà nướng, kề bên là rượu ngô hay rượu táo mèo. Tôi vốn không uống rượu, nhưng cũng thử mềm môi cùng người bản xứ và ngất ngây với chén rượu ngô ngọt môi trong cơn mưa Sa Pa.
Thú vị khi đến Sa Pa chính là ngắm nhìn những người dân bản xứ, mà chủ yếu là người Mông và Dao Đỏ. Họ ở các bản làng cách thị trấn hàng chục cây số, nhưng từ rạng sáng họ đã gùi hàng hóa trên vai để đến Sa Pa hòa nhập cùng du khách.
Buổi sáng, Sa Pa đầy sương mù, mưa đã ngừng. Không vội ngủ nướng, tôi thong dong xuống phố để ngắm nhìn cách sinh hoạt của họ. Nơi bãi đất trống trước nhà thờ Sa Pa là chỗ để họ buôn bán. Không có xếp đặt, không kê phản hay gian hàng, mỗi người cứ tìm chỗ ưng ý trải bạt rồi bày hàng hóa của mình ra, đợi khách. Hàng hóa của họ chính là các loại vải, mũ, túi, dây đeo… dệt bằng thổ cẩm do chính họ làm ra. Những chiếc mũ ngộ nghĩnh đôi khi không biết mua để làm gì, những tấm vải trang trí cũng không biết mua để làm gì đều được du khách chọn mua như một cách tận hưởng cái công chịu khó của họ. Cả những chiếc vòng trắng, vòng đồng, những chiếc khăn choàng làm duyên. Họ không mời, khách thích thì lựa hàng hỏi giá.
Vào 9 giờ sáng mỗi ngày, các đoàn khách du lịch sẽ làm cuộc hành trình đi xuống các buôn làng. Cuộc hành trình ấy có khi cả 15 cây số đi bộ, chủ yếu là đi Tả Van. Cả một đoàn người bản địa trai, gái, trẻ, già cũng hồn nhiên đi theo du khách. Họ đi theo và cười nói hồn nhiên, có người mang sẵn nước uống hoặc món quà kỷ niệm gì đó. Khách mệt, dừng tạm nghỉ thì họ mời mua. Trên những con đường vào các bản làng Sa Pa, sự hài hòa hình ảnh giữa du khách và người bản địa tạo ra cảnh sắc tuyệt vời. Họ đi theo để bán những món hàng lưu niệm như thế, họ đi theo một cách bền bỉ dẫu cả ngày chẳng bán được gì, có khi họ còn đông hơn khách, hết đoàn khách này họ lại đón đoàn khách khác. Có người địu cả con nhỏ trên vai mà đi, có người vừa dừng chân lại tiếp tục xé những sợi đay hoặc tiếp tục may thêu như tranh thủ thời gian.
Thật ra thì việc bán một món hàng vài chục ngàn cho du khách đối với người bản địa ở Sa Pa là chuyện không dễ dàng, bởi họ chỉ bán cái gì họ làm ra chứ không phải mua đi bán lại, và thứ họ bán đôi khi không hợp sở thích của du khách. Và phải kinh ngạc về sức bền bỉ của họ, đôi lúc có khách mang vác nặng, họ trở thành người mang hộ. Cùng đi trên con đường nhỏ, nhìn xuống bên dưới, thung lũng Mường Hoa với những ngôi nhà trình tường, những thửa ruộng bậc thang, cả con suối Mường Hoa uốn cong lấp lóa trong nắng sớm rất đẹp.
Trên những con đường phố, họ bày bán những cây lan rừng hoặc những loại cây gì đó, bán những chiếc ô nhiều màu sắc, và bán cái cảm giác hòa trộn khó nơi nào có được. Chính những người dân địa phương đã tạo cho Sa Pa một sắc thái khác biệt. Tôi đến Sa Pa vào một ngày mưa và bắt gặp nơi đó những nét chấm phá lạ lùng.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Nguồn: Laodong.com.vn