Phong tục đáng quý
Đây là tục lệ cổ truyền của dân tộc với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn của Đền Trần “tích phúc vô cương”, mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.
Lễ khai ấn đền Trần có nhiều ý nghĩa, nhưng tựu trung lại, đây là dịp để các tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của vương triều Trần đã có công dựng nước và giữ nước Đại Việt, rạng ngời hào khí Đông A ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Bên cạnh đó, ngày nay, việc xin ấn đền Trần có ý nghĩa tạo phúc đức, tạo thuận lợi theo ý nghĩa tâm linh cho đường công danh sự nghiệp.
Theo tục truyền lại, năm 1258 quân Nguyên Mông xâm lược nước ta bằng một đạo quân hùng hậu. Sau khi chiến thắng lừng lẫy quân xâm lược Nguyên Mông bằng chính sách “vườn không nhà trống”, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường - Nam Định (nơi quân dân ta rút lui chiến lược về), vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức “khai ấn” để tế lễ trời đất, tổ tiên, phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới.
Theo sử sách, đền Trần lúc đầu gọi là nhà thờ Đại tôn. Đến năm Chính Hòa thứ 15 (1695), đền mới được dựng bằng gỗ lim. Năm Ất Dậu (1705) mới chính thức gọi là Trần Miếu (miếu nhà Trần), hàng năm triều Lê ban lễ quốc tế. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), Trần Miếu (tức đền Thiên Trường) được sửa lớn, khi đó đào được tấm bia đá có dòng chữ “Hưng Đạo thân vương Cố Trạch” (Nhà của Hưng Đạo Vương ở Cố Trạch).
Lễ khai ấn tại đền Cố Trạch và Thiên Trường hàng năm vẫn được dân làng Tức Mạc duy trì đến nay. Các đám rước gồm có cờ, bát kiệu, kiệu long đình, đội trống nhạc lễ cùng đông đủ các bô lão và dân các làng xung quanh tham dự. Khi đám rước về đến đền thì nghi lễ diễn ra.
Trước đây chỉ có lễ chứ không có hội, những năm gần đây được tổ chức thành lễ hội lớn - lễ hội đền Trần, lễ hội Trần Hưng Đạo. Sau phần lễ là phần hội với các sinh hoạt văn hóa khá phong phú và độc đáo như hội diễn võ của 3 thế hệ tại sân đền Thiên Trường với các cuộc đấu vật, múa rồng, múa sư tử... hay chọi gà, chơi đu, chơi cờ thẻ…
Bảo tồn đúng cách
Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc được chú trọng. Lễ hội khai ấn đền Trần cũng đã được thực hiện đủ ba nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ, rước Nước, tế Cá và khai ấn đầu năm. Bắt đầu từ sớm 15 tháng Giêng sẽ tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách tại nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa.
Trước kia, vấn đề lo ngại nhất là cảnh chen chúc, xô đẩy để xin ấn của người dân. Sự thiếu ý thức, muốn mình được ấn đầu tiên, hay các hành động sai lệch, phản cảm được truyền tai nhau như ném tiền, cướp ấn đã tạo nên những tiền lệ xấu, tạo điều kiện cho các đối tượng trộm cắp, móc túi hoạt động dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, công tác tổ chức Lễ khai ấn Đền Trần đã có nhiều cải thiện tích cực. Công tác tổ chức đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội cũng như du khách tham quan được chú trọng, tạo cho khách thập phương sự an tâm để hòa mình vào sự kiện văn hóa quan trọng này.
Để thực sự bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc như lễ khai ấn đền Trần, không thể chỉ dựa vào sức của địa phương mà cần huy động nhiều lực lượng khác. Công tác tuyên truyền cần phải làm tốt ngay trước khi lễ hội diễn ra, để người dân hiểu và có ý thức hơn khi trẩy hội. Quan trọng nhất là chính người dân phải thay đổi thói quen xấu của mình, để chung tay tạo dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa nhớ về truyền thống cha ông, vừa thực hiện tốt nếp sống văn minh mới.
Cuộc thi viết 'Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận"
Cuộc thi viết “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận” do Tổng cục Du lịch phối hợp với Báo Lao Động tổ chức, từ ngày 13.10.2017 – 31.5.2018.
Giải thưởng: 2 giải nhất – 20 triệu đồng/giải + chuyến du lịch 4-5 sao trong nước cho 2 người; 2 giải nhì: 15 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải; 2 giải cán bộ, nhân viên ngành du lịch viết: 15 triệu đồng/giải và 1 giải bài thi được nhiều người đọc nhất: 10 triệu đồng; 1 giải bài thi được nhiều lượt like/share nhất: 10 triệu đồng.
Thể lệ chi tiết xem tại đây.
Bài dự thi xin gửi về:
Ban tổ chức cuộc thi viết “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”
Báo Lao Động - số 6 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: (024) 35330305
Email: dulich@laodong.com.vn
|
ĐINH THÀNH TRUNG
Nguồn: laodong.com.vn