Đậm đà sắc thái nhân văn
Dân tộc Ê Đê bắt nguồn từ nhóm người Mã Lai, có mặt lâu đời ở miền Trung Việt Nam hàng ngàn năm trước, sau đó di cư lên Tây Nguyên, tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Nông. Người Ê Đê chọn đất định cư phải đủ các điều kiện như rộng và phẳng, có bến nước, đất làm rẫy, đất nhà mồ, rừng. Buôn thường mang tên người có công hoặc mang tên sông suối... Trong văn hóa Ê Đê luôn in đậm những hình ảnh bến nước và con thuyền, thể hiện gốc gác của dân tộc. Nhà Gươl truyền thống của người Ê Đê ngày xưa dài đến cả 100m, mô phỏng hình con thuyền, bên trong có trần gỗ giống hệt mui thuyền.
Lễ cúng bến nước là đặc trưng văn hóa Ê Đê. Chủ bến nước là người phát hiện ra bến nước hay vùng đất định cư của buôn làng, có quyền chia đất ở, đất làm rẫy, đất chôn cất người chết và tổ chức các lễ hội. Bến nước là “phần hồn” của các buôn làng, dù đã có nước máy để dùng trong sinh hoạt, nhưng người Ê Đê chỉ dùng nước lấy từ bến nước để chế rượu cần và thờ cúng.
Tại bến nước, thầy cúng khấn cầu xin Giàng cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn, mọi người uống nước này đều mạnh khỏe.
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, người Ê Đê hình thành một truyền thống tốt đẹp trân trọng nguồn nước hơn cả hạt muối, hạt gạo. Họ quan niệm thời du canh du cư, nhịn ăn suốt cả tuần, nhưng vẫn sống nhờ uống nước cầm hơi... Có được một nguồn nước trong thì cả buôn làng phải hết lòng gìn giữ nó.
Theo người dân Ê Đê ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết: Tục cúng bến nước của người Êđê có từ khi hình thành các buôn làng. Cúng bến nước để các vị thần biết được nơi đó có dân làng sinh sống mà ban cho sức khỏe, làm ăn khấm khá, bà con trong buôn luôn yêu thương nhau, sống thủy chung. Nước đối với người Ê Đê quan trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời, nên người Ê Đê thờ thần nước như thờ tổ tiên nhà mình.
Những ngày đầu tháng cuối năm (tháng Chạp), để chuẩn bị cho lễ cúng bến nước, già làng họp bàn với dân làng về công tác tổ chức. Sau một năm sử dụng, thanh niên trai tráng tích cực làm vệ sinh bến nước, nguồn nước và sửa đường vào bến. Phụ nữ, người già thì dọn dẹp nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Tại bến nước, ba ngày trước, trai tráng dựng lên cái cổng bằng tre để báo cho mọi người biết sắp đến ngày tổ chức lễ cúng, không được lấy nước tại đây. Không đơn thuần là tín ngưỡng, lễ cúng bến nước cũng là sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, giàu bản sắc của dân tộc Ê Đê. Sau lễ hội là thời điểm bước vào mùa xuân, nhân dân trong buôn làng bắt đầu vui chơi.
Thanh niên, thiếu nữ tập trung về nhà Gươl để hát múa vui chơi.
Vũ Hào