Tranh Đông Hồ là một loại tranh in mảng, nét, màu sắc rực rỡ trong sáng với một số màu cơ bản như đỏ, xanh, vàng, nâu, đen. Do việc in nét và in mảng hàng loạt nên số lượng tranh bán vào ngày tết cũng khá lớn, hầu như thỏa mãn được nhu cầu của nhân dân nhất là vùng thôn quê.
Dòng tranh Đông Hồ có nội dung rất phong phú, chủ yếu đi sâu miêu tả cuộc sống đời thường, mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Ẩn sau những bức tranh Đông Hồ vui tươi dí dỏm như hứng dừa, đánh ghen, đám cưới chuột… là những triết lý sâu sắc vô cùng. Nhiều bức tranh nói lên nỗi niềm khát khao được hạnh phúc, ấm no yên lành, trồng cây thì cây tốt, chăn nuôi thì sinh sôi nảy nở… Ngày xuân, các cụ già trong làng trong phố đến với nhau chúc tụng, uống rượu, bình tranh, họa thơ tranh, thật lý thú. Tranh Đông Hồ có chỗ đứng riêng, khó trộn lẫn với các dòng tranh khác ở chỗ tuy tính khái quát ước lệ, bố cục khá cao, nhưng người xem ở các tầng lớp khác nhau đều hiểu và rất thích, bởi sắc thái dân tộc bao trùm trong tranh.
Ở đất Hà thành, người dân rất yêu mến tranh Hàng Trống, một dòng tranh mà cách đây hàng thế kỷ đã đi vào tâm thức của người dân Hà Nội. Ngày trước, nhiều người dân Hà Nội mỗi khi đi sắm tết không quên mua vài bức tranh như là tứ bình, nhị bình, tố nữ để về trang trí đón xuân. Nếu tranh làng Hồ in ấn từng khuôn nét, mảng màu thì tranh Hàng Trống lại in nét đen trên giấy và sau đó là tô màu theo một khuôn mẫu có trước. Người thợ căn cứ vào mẫu tranh để tô màu thật chính xác, theo sắc độ đã định sẵn. Phương pháp tô màu đòi hỏi tay nghề rất cao và rất thành thạo vì tranh mang tính tạo hình của hội họa khá rõ nét, có đậm nhạt, sáng tối, làm người xem dễ hình dung về hình họa trong tranh. Tuy nhiên cũng có nhiều nghệ nhân tài hoa tự mình sáng tác và hoàn chỉnh tác phẩm theo đơn đặt hàng mang tính đơn lẻ. Có thể nói dòng tranh Hàng Trống bước gần tới tính hiện đại của nghệ thuật tạo hình đương đại nhưng vẫn giữ được tính dân tộc và rất trữ tình. Khác với tranh Đông Hồ phản ảnh một tâm thức về triết lý thành kính, tôn vinh, phù hộ cứu nhân độ thế, quan hệ âm dương…, tranh Hàng Trống đi sâu vào ý nghĩa nhân quả của thần học “có kiêng có lành, có thờ thì có phúc”…
Do đó nghệ thuật tạo hình màu sắc đậm nhạt, ẩn hiện cũng rất phù hợp với triết lý của nội dung tranh. Như vậy hai dòng tranh dân gian đã được dùng vào ngày tết Nguyên đán là khá phổ biến nên người ta nói đến tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống là tranh Tết không những có ý nghĩa về truyền thống mà còn mang tính lịch sử xã hội về mặt triết học sâu sắc.
Sau khi hòa bình lập lại, năm 1954, Đảng, Nhà nước ta khuyến khích nghệ thuật tạo hình phát triển, trong đó có tranh dân gian, đồng thời tạo điều kiện mở đường cho các họa sĩ nghiên cứu, khai thác chất liệu nghệ thuật tranh dân gian để sáng tác tranh Tết mang tính dân tộc và tính hiện đại. Đáng chú ý là nhiều họa sĩ đương đại đã khai thác chất liệu này đưa vào tranh của mình để in ấn xuất bản phục vụ quảng đại nhân dân trong cả nước, được quần chúng ưa thích và trân trọng. Nhiều họa sĩ cho ra mắt công chúng những bức tranh phục vụ ngày xuân, ngày tết khá đẹp như tranh của Tạ Thúc Bình, Huy Toàn, Nguyễn Bích, Đỗ Đức… Do kỹ thuật in hiện đại nên màu sắc cũng khá phong phú, hấp dẫn với số lượng tranh được in ra gấp nhiều lần in tranh thủ công của các làng nghề.
Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống trang trí trong ngày Tết là những bức tranh mang nội dung cầu phúc, cầu an, nói lên lòng khao khát một năm mới thiên thời địa lợi nhân hòa, mong muốn mọi gia đình ấm no hạnh phúc. Rất tiếc tranh dân gian của làng Hồ, Hàng Trống đang đi vào lịch sử và hình dáng của nó không còn đến với người dân trong ngày Tết Nguyên đán như những ngày xưa.
Hoàng Hoa Mai
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)