(VTR) - Mỗi năm ở Lạng Sơn có khoảng 300 lễ hội lớn nhỏ khác nhau được tổ chức và trải dài khắp mùa xuân. Trong đó, có khoảng 80 – 90% lễ hội mang tính chất lễ hội lồng tồng - lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, hạnh phúc, viên mãn. Nhiều lễ hội ở Lạng Sơn gắn với các di tích, ví dụ: lễ hội chùa Tam Thanh, lễ hội chùa Tiên, lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng, lễ hội đền vua Lê…
Nhận thấy rõ tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa nên thời gian qua, các cấp ngành hữu quan trong tỉnh luôn đẩy mạnh công tác bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa lễ hội. Ngay sau Tết Nguyên đán, Lạng Sơn tổ chức chương trình khai mạc lễ hội xuân Xứ Lạng rất trang trọng để tạo ấn tượng đối với du khách. Thêm vào đó, nội dung chương trình mỗi lễ hội luôn được quan tâm nâng cao chất lượng, đảm bảo sự hấp dẫn, ý nghĩa trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, kế thừa trong sự phát triển. Nhiều lễ hội dân gian tiêu biểu khác cũng đã và đang được quan tâm nghiên cứu khôi phục, nhằm tạo ra những điểm nhấn rõ nét hơn nữa trong loại hình du lịch văn hóa lễ hội.
Ở TP. Lạng Sơn có lễ hội chùa Nhị, Tam Thanh (14, 15 tháng giêng), lễ hội chùa Tiên (18 tháng giêng), đặc biệt là lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng (từ ngày 22 – 27 tháng giêng), các lễ hội này được duy trì hàng năm, được coi là lễ hội lớn. Lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng thường được tổ chức song song với nhau. Lễ hội đền Tả Phủ nhằm tri ân công đức, tưởng nhớ Tả đô đốc Hán Quận Công Thân Công Tài (thờ tại đền Tả Phủ, TP. Lạng Sơn) – người đã có công khai lập phố chợ Kỳ Lừa, nơi giao thương buôn bán sầm uất nức tiếng gần xa từ xưa đến nay. Lễ hội đền Kỳ Cùng được mở ra nhằm tưởng nhớ công đức của vị quan lớn Tuần Tranh (thờ tại đền Kỳ Cùng, TP. Lạng Sơn), người có nhiều đóng góp cho xứ Lạng. Trong lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ rất trang trọng còn có nghi lễ rước kiệu thần từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và ngược lại được tổ chức hết sức trọng thị. Dọc hai bên các trục đường có đoàn rước kiệu đi qua, nhân dân sửa soạn lễ rất trọng thịnh để nghênh đón. Người dân quan niệm, đoàn kiệu thần đi qua cửa nhà mỗi năm chỉ xuất hiện một lần, là dịp để họ cầu mong những điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Khi lễ rước kiệu diễn ra, kiệu đi đến đâu thì đoàn người nườm nượp theo đến đó. Từ trên cao nhìn xuống tựa như một dòng sông khổng lồ cuộn chảy…
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đều lựa chọn những lễ hội tiêu biểu để tổ chức tạo điểm nhấn. Huyện Cao Lộc có lễ hội Đồng Đăng, Bắc Nga; huyện Tràng Định là lễ hội Bủng Kham; huyện Bắc Sơn là lễ hội lồng tồng, lễ hội Ná Nhèm (mặt nhọ), xã Trấn Yên; huyện Lộc Bình có lễ hội Háng Đắp (lễ hội cuối tháng giêng)… Do đó, lễ hội Lạng Sơn tạo thành một chuỗi sự kiện để du khách lựa chọn. Trong số các lễ hội tại các huyện, đáng chú ý, có lễ hội Ná Nhèm (mặt nhọ), xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (ngày 15 tháng giêng) – một lễ hội đậm chất dân gian, giàu bản sắc văn hóa, đã gián đoạn hơn 50 năm nay, mới được khôi phục…
Vào ngày 16 tháng giêng, hàng năm ngay dưới chân núi nàng Tô Thị có lễ hội của làng Khòn Lèng, rất đặc sắc, mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Trong lễ hội bao giờ cũng có phần thi bày các mâm cỗ đẹp cúng thần Nông và các hoạt cảnh ngày mùa, vui hội; đặc biệt dân ca, hát then – đàn tính đã trở thành nét đặc trưng của lễ hội này. Đến với ngày hội văn hóa của xã Hải Yến (Cao Lộc), du khách luôn ấn tượng với các màn múa sư tử mèo điêu luyện và những bài võ dân tộc khỏe khoắn, đầy tinh thần thượng võ. Hải Yến là xã có đến 99% là người dân tộc Nùng và còn giữ được nhiều nét văn hóa giàu bản sắc quê hương, dân tộc.
Vào mùa xuân, ở khắp các bản làng trên quê hương xứ Lạng đều náo nức với hội xuân. Các lễ hội đã vượt ra khỏi tính chất, quy mô của riêng cộng đồng, địa phương mở hội và trở thành một điểm đến của du khách. Mỗi lễ hội thực sự là một “bảo tàng sống” trong dòng chảy của di sản văn hóa Việt Nam.
Hoàng Việt Thịnh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)