Nếu như các nước ở châu Âu đón Tết tập trung vào đêm giao thừa, ở Việt Nam mọi người chuẩn bị Tết từ trước đó hàng tháng và Tết được coi bắt đầu từ ngày lễ tiễn Ông Táo về thiên đình (23 tháng Chạp). Những ngày đón Tết ở Việt Nam là những ngày con người thể hiện tấm lòng tri ân với tổ tiên,” ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn”. Dù có bận trăm công, nghìn việc cũng phải thực hiện những lễ nghi “Tống cựu nghinh tân” như: quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, sửa soạn bàn thờ tổ tiên, lau chùi bàn ghế và chuẩn bị thực phẩm để cúng ông bà tổ tiên những ngày Tết.
Trong gia đình người Việt thường có bàn thờ, đây được coi như một thế giới thu nhỏ của những người đã khuất, nơi tưởng nhớ và thờ, cúng tổ tiên những ngày lễ, tết. Tùy theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt trên bàn thờ khác nhau, nhưng không thể thiếu bát hương để con, cháu thắp hương cúng, bái ông bà, tổ tiên. Thắp hương, khói thơm bay lên, làm cho con người cảm thấy ấm áp lạ kỳ, tâm hồn thanh thản và hướng thiện. Ngày Tết trên bàn thờ bao giờ cũng bày mâm ngũ quả. Tùy theo tập quán của từng vùng, miền và hoàn cảnh của mỗi gia đình mà mâm ngũ quả khác nhau, ví dụ, ở miền Nam mâm ngũ quả không thể thiếu quả dưa hấu, vì nó tượng trưng cho sự phồn thịnh và may mắn, quả sung tượng trưng cho sự sung túc, hạnh phúc và quả đu đủ tượng trưng cho mọi thứ chỉ cần đủ và không thiếu, không thừa. Ở miền Bắc mâm ngũ quả ngày Tết thường có chuối, bưởi, táo, quýt, dứa… Đó là những triết lý của người Việt được truyền tụng từ xa xưa.
Ngày Tết, các gia đình thường trang trí trong nhà bằng các loại cây và hoa. Tùy theo hoàn cảnh của từng nhà, người mua cây đào hoặc cành đào để trang trí trong nhà hoặc trên bàn thờ với mục đích hoa đào sẽ mang lại nguồn sinh khí mới, giúp mọi người trong gia đình luôn mạnh khỏe và bình an trong năm mới, đồng thời xua đuổi tà ma vào nhà. Người mua cây quất tứ thời (lá xanh, có quả chín, quả xanh, có hoa, có nụ) với mong muốn khởi đầu một năm mới tốt đẹp, giúp gia tăng tiền tài và vận may cho gia đình. Người sắm cây mai tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang. Còn nhiều gia đình khác, mua hoa cúc vàng về cắm hoặc mua chậu cúc vàng, vì theo quan niệm của phong thủy, hoa cúc là biểu tượng của sự sống, tăng thêm phúc lộc cũng như sự hoan hỉ đến nhà.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Gia đình nào dù giàu hay nghèo cũng chuẩn bị thức ăn trong ba ngày Tết sao cho "già được bát canh, trẻ có manh áo mới". Bữa ăn ngày Tết thường có nhiều món, đủ chất hơn và sang trọng hơn bữa ăn ngày thường, nên mọi người thường gọi là "ăn Tết". Đặc biệt, đêm giao thừa, các gia đình thường soạn mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên, đó là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn. Tùy hoàn cảnh, điều kiện của từng gia đình, nhưng trong mâm cỗ ngày Tết bao giờ cũng cũng phải có xôi, bánh chưng, bánh tét và thịt gà hay thịt lợn. Đối với những gia đình khá giả, mâm cơm để cúng ông bà trong ba ngày Tết là mâm cỗ có nhiều món ăn được chế biến từ: Thượng cầm (các loại gia cầm biết bay như chim, gà, vịt…), Hạ thú (các gia súc trên mặt đất như: heo, bò, gà...) và các loài thủy tộc dưới nước (tôm, cua, cá…). Tùy theo từng miền, từng gia đình, những món ăn này được sắp xếp thành 4 bát, 4 đĩa, nếu là cỗ to thì sắp thành 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa.
Cả năm mọi người làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi lẫn nhau, nhân ngày Tết đến người dân Việt có tục chúc Tết, mừng tuổi cho nhau, đồng thời xóa bỏ mọi xích mích và những điều không hay trong năm cũ. Thông thường, ngày mồng một đến mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ngày mồng hai đi chúc Tết bà con, anh chị em. Ngày mồng ba đi thăm bạn bè. Những ngày kế tiếp đi thăm bằng hữu. Lời chúc Tết phổ biến nhất đó là lời chúc nhau về sức khỏe và cầu mong năm mới đem lại may mắn, hạnh phúc và an lành đến với mọi người.
Ngày tết cổ truyền là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Mong sao mọi người đối xử với nhau như những ngày Tết, trên thuận, dưới hòa, kính già yêu trẻ như vậy quê hương, đất nước sẽ tươi đẹp và giàu mạnh. Những nét văn hóa này có thể vận dụng vào hoạt động du lịch với mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Minh Thu
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)