
Động Phong Nha
Ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên do VQG quản lý (vùng lõi) và 13 xã vùng đệm: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa và Thượng Hóa (huyện Minh Hóa); xã Thượng Trạch, Tân Trạch, Xuân Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch và xã Phú Định (huyện Bố Trạch); xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh).
Mục tiêu tổng quát mà Quy hoạch đề ra là nhằm bảo tồn những giá trị của Di sản Thiên nhiên thế giới VQG PNKB thông qua việc khai thác có hiệu quả tài nguyên để cải thiện bền vững sinh kế của cộng đồng địa phương vùng đệm cùng với sự hỗ trợ phát triển du lịch bền vững. Theo đó, mục tiêu cụ thể đảm bảo cho việc khai thác tài nguyên phát triển du lịch được quản lý một cách bền vững để phát triển du lịch có chất lượng cao, trên cơ sở nghiên cứu thị trường với lợi ích được chia sẻ và bình đẳng; đảm bảo việc bảo tồn các giá trị di sản quan trọng của VQG thông qua phát triển du lịch, tăng cường công tác nghiên cứu, học hỏi và nâng cao nhận thức về những di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của VQG; sinh kế bền vững thông qua việc khai thác tối đa cơ hội cho người dân sống trong Vườn và vùng đệm tham gia có hiệu quả, bình đẳng vào phát triển, quản lý, hoạt động du lịch...
Quy hoạch đặt ra một số chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu của từng giai đoạn: đến năm 2015 có 420.000 lượt khách du lịch đến tham quan tại PNKB, tăng 40% so với năm 2010; đến năm 2020 đạt 571.000 lượt khách, tăng 36% so với năm 2015.
Các định hướng phát triển chủ yếu của Quy hoạch được xác định. Thị trường du lịch nội địa là nguồn khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước; thị trường quốc tế gồm các nước ASEAN, châu Á - Thái Bình Dương, Tây Âu… Sản phẩm du lịch bao gồm tham quan, thám hiểm hệ thống hang động trong khu vực VQG và vùng đệm; tham quan ngắm phong cảnh thiên nhiên VQG và vùng đệm; du lịch lịch sử - văn hóa đường Hồ Chí Minh huyền thoại, quốc lộ 12A, tỉnh lộ 20; du lịch mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch trải nghiệm sinh hoạt tại cộng đồng ở các làng quê, cộng đồng dân cư, dân tộc thiểu số trong khu vực. Các tuyến du lịch và điểm du lịch trên tuyến gồm: tuyến 1, đường Hồ Chí Minh đến Khe Ve - Cha Lo quốc lộ 12; tuyến 2, Trung tâm phân khu hành chính và dịch vụ VQG PNKB; tuyến 3, khu Trung tâm đi tỉnh lộ 20 đến bản Arem, Ma Cong; tuyến 4, khu Trung tâm đi đường Hồ Chí Minh qua cầu Trạ Ang đến đỉnh U Bò - xã Trường Sơn hoặc đi về phía Bắc thung lũng Sinh Tồn, động Thiên Đường, suối Nước Moọc…; tuyến 5, sông Long Đại - bến phà Long Đại, chùa Non - núi Thần Đinh.
Quy hoạch cũng đã phân 4 vùng du lịch và hướng dẫn các hoạt động du lịch, bao gồm: du lịch đại chúng phục vụ mọi đối tượng khách tham quan hang động tại phân khu hành chính - dịch vụ, phân khu phục hồi sinh thái, vùng đệm…; du lịch thiên nhiên gắn với di sản cho các đối tượng du khách thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên phân khu hành chính và vùng đệm, dã ngoại…; du lịch vì lợi ích cộng đồng dành cho mọi đối tượng du khách tham quan thôn bản và trải nghiệm sinh hoạt dân dã, trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, bơi thuyền kayak, canoe; du lịch sinh thái phân khu bảo vệ nghiêm ngặt dành cho các nhà khoa học nghiên cứu, thám hiểm hang động, đi bộ, đi trekking, nghiên cứu khoa học, leo núi.
Nhằm tối ưu hóa và khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị của Di sản, Quy hoạch hướng dẫn về quy mô du khách đối với từng loại hình du lịch và điểm du lịch tại VQG PNKB, trong đó xác định sức chứa số lượng khách tham quan tối đa trong ngày tại các điểm du lịch như: động Phong Nha từ 2.150 - 2.700 lượt khách, động Tiên Sơn 2.000 - 2.500 lượt khách…
Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch dựa trên 3 tiêu chí cơ bản, đó là tìm kiếm hợp tác và hỗ trợ từ các đối tác phát triển, các chương trình đào tạo của nhà nước và tư nhân; phát triển nguồn nhân lực tổng thể bao gồm các chiến lược và khuyến nghị đối với Ban Quản lý, nhân viên của VQG, cộng đồng địa phương, ngành Du lịch và các cơ quan khác có liên quan như Biên phòng, Hải quan, Công an…; phát triển nguồn nhân lực phải được tiến hành thường xuyên nhằm đảm bảo phát triển liên tục nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch được chia thành các giai đoạn: giai đoạn 2010 - 2012 ưu tiên các hoạt động phát triển du lịch ưu tiên cao, tạo ra khuôn khổ thực hiện quy hoạch phát triển du lịch bền vững tổng thể; giai đoạn 2012 - 2015 tập trung đề ra các biện pháp phát triển, hiện thực hóa các mục đích và hướng hoạt động đến mục tiêu quy hoạch. Đồng thời, đề ra giải pháp để thực hiện quy hoạch nhằm nâng cao nhận thức xã hội về du lịch tập trung vào các nội dung chính: giải pháp về nâng cao nhận thức của các đối tượng quản lý, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch và của cộng đồng vùng đệm về phát triển du lịch; giải pháp về quản lý và chính sách phát triển du lịch, trong đó tập trung vào hai chính sách cơ bản là chính sách về nhượng quyền kinh doanh du lịch, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư, theo đó các nhà đầu tư kinh doanh du lịch trong khu vực VQG PNKB quản lý cam kết (hợp đồng) với Vườn về trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan, khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo phát triển du lịch bền vững và nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với VQG…
Lê Thanh Bình*