Những yếu tố cần có để tiếp cận NNMT đạt kết quả
Điều quan trọng hàng đầu là được lòng tin của họ. Vì thời gian dài sử dụng ma túy làm cho NNMT bất cần, không tin ai. Cho nên, muốn tiếp cận được thì phải tạo cho họ tin cậy ở mình. Cách lấy lòng tin ở NNMT là:
Đồng cảm với họ và biết lắng nghe họ nói để hiểu được tâm trạng vướng mắc cũng như nhu cầu của họ; tích cực quan tâm đến tâm tư, tình cảm, cuộc sống riêng tư của họ, thiết lập mối quan hệ tốt với họ và sẵn sàng giúp đỡ khi họ gặp khó khăn; nắm vững tâm, sinh lý của NNMT để biết được sự chuyển biến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của họ, có sự trợ giúp kịp thời, thích hợp; nhận biết được những điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, năng lực của NNMT để khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của họ.
Biết khai thác những mâu thuẫn nội tại bản thân của NNMT để giúp họ xử lý, giải quyết mâu thuẫn, giúp họ tự đấu tranh chiến thắng bản thân và những cản trở, khó khăn khách quan; luôn tạo ra cho NNMT những thử thách từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản đến phức tạp để tăng dần ý chí rèn luyện, nghị lực phấn đấu của họ.
Biết cách cổ vũ, khích lệ NNMT khi họ làm được điều tốt, an ủi, chia sẻ khi họ cố gắng nhưng chưa tiến bộ, chưa làm tốt điều họ muốn; biết lắng nghe những ý kiến phản hồi của người nghiện về cách tiếp cận và các nội dung vấn đề trao đổi với họ.
Cần theo dõi, giúp đỡ thường xuyên trong cả quá trình phấn đấu, chuyển biến của họ, động viên khích lệ hoặc uốn nắn, điều chỉnh kịp thời trong quá trình tiến hành công tác cai nghiện cho NNMT.
Một số nguyên tắc cần lưu ý khi tiếp cận với NNMT:
Thái độ đầu tiên khi tiếp xúc với người nghiện là phải tôn trọng họ. Do ảnh hưởng của dư luận, giá trị xã hội mà bản thân người nghiện có thể đã tự đánh giá thấp mình. Có như vậy mới có thể gần gũi với họ. Thái độ tôn trọng được thể hiện qua việc: vui lòng với họ; quan tâm đến quyền tự quyết của họ; nghĩ những điều tốt về họ; không chỉ trích họ; trao đổi sự hiểu biết của họ; sẵn sàng giúp đỡ họ, thể hiện sự nồng nhiệt với họ.
Khi tiếp xúc với người nghiện cần tránh kiểu tiếp xúc miễn cưỡng, mang tính khách sáo, lễ nghi. Sự chân thành sẽ giúp cai nghiện dễ dàng cởi mở, tâm sự những suy tư của họ: không bị gò bó; không quá nhấn mạnh vai trò của mình; tự tin; nhất quán; cởi mở.
Gây niềm tin là một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ công tác. Nếu không xây dựng được niềm tin trong họ, thì công việc khó bề tiến triển. Niềm tin giúp cai nghiện thổ lộ hết những khó khăn, những vấn đề phức tạp, những ước muốn… của họ. Niềm tin giúp người cai nghiện tôn trọng người đang tìm cách giúp đỡ họ.
Trong mối quan hệ công tác, cán bộ phải tôn trọng những điều riêng tư của “nạn nhân” và cam đoan với họ là sẽ giữ kín với họ những điều đã bộc lộ theo ý kiến riêng của mình. Trao đổi với họ mang không có thái độ chỉ trích.
Cần luôn tôn trọng những ý kiến tình cảm và suy nghĩ của NNMT. Tránh chỉ trích, phê bình họ. Những lúc có bất đồng quan điểm với họ, cán bộ nên bộc lộ theo ý kiến riêng của mình, trao đổi với họ mà không có thái độ chỉ trích.
Một điều rất quan trọng là cán bộ phải có tính đồng cảm, hiểu và giải thích được những diễn biến tâm lý xảy ra với người khác. Đó là khả năng có thể đặt mình vào vị trí của người khác và ngược lại. Có khả năng diễn đạt sự thông cảm của mình với người khác. Tuy nhiên, cần biết phân biệt cảm xúc của mình với cảm xúc của người nghiện, không được hoà đồng với nhau. Nếu không chính chúng ta sẽ bị lôi kéo vào “trạng thái của người nghiện”.
Kỹ năng tiếp cận với người nghiện ma túy:
Các bước cần thực hiện để giúp đỡ cho NNMT
Bước thứ nhất: Thiết lập mối quan hệ một cách xây dựng. Làm quen với đối tượng nhanh và gặp họ càng sớm càng tốt. Tôn trọng, chân thành và cởi mở với họ, quan trọng nhất là cán bộ tư vấn phải rất nhạy cảm và xử lý linh hoạt, sẵn sàng giúp đỡ họ.
Bước thứ hai: Gợi ý và khuyến khích để họ tự bộc lộ trình bầy về tâm trạng của họ mà thường là đau buồn, tự ti, mặc cảm… Hầu như NNMT đang gặp khủng hoảng đều có tâm trạng chán chường hoặc đau buồn, bối rối trong buổi gặp đầu tiên.
Bước thứ ba: Bàn luận trao đổi những sự kiện đã xảy ra phải được bắt đầu một cách tự nhiên và là nội dung chính của buổi đối thoại. Phải chú ý khi đối tượng tự giải thích và đánh giá về những khó khăn, nếu có sự mâu thuẫn và bất hợp lý thì phải thông qua kỹ thuật phỏng vấn giúp họ làm sáng tỏ những cảm nghĩ của họ.
Bước thứ tư: Đánh giá và nhận xét, cần phải xác định nguyên nhân của trạng thái khủng hoảng, dự kiến mức độ của sự suy giảm chức năng về nhận thức, trắc nghiệm về năng lực hiểu biết cuộc sống và những phản ứng cần có ở đối tượng.
Bước thứ năm: Giải thích vấn đề đặt ra một cách hợp lý. Điều quan trọng là sự thông hiểu của cán bộ tư vấn về các nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng dẫn tới nghiện ma túy.
Bước thứ sáu: Củng cố lòng tin, tăng cường sự hiểu biết sau cuộc tư vấn, xây dựng lại chức năng nhận thức và tạo điều kiện cho đối tượng tư vấn giành lại sự tự chủ nhận thức của mình.
Bước thứ bảy: Gợi ý, xác định kế hoạch điều trị cho NNMT cần dựa vào động cơ, điều kiện các mặt và khả năng của đối tượng để giải quyết vấn đề, chia sẻ và thoả thuận với họ. Có thể có một vài kế hoạch chữa trị khác để đối tượng tùy chọn.
Bước thứ tám: Kết thúc: mục đích để đánh giá mức độ trở lại bình thường của đối tượng.
Bước thứ chín: Sau buổi tư vấn cuối cùng, thông báo cho họ là cán bộ tư vấn sẽ tiếp tục quan tâm theo dõi đến tình trạng tiến triển của cá nhân và tiếp xúc với họ trong tương lai.
Các kỹ năng tiếp xúc với NNMT
Kỹ năng quan sát: quan sát là một trong những công cụ quan trọng nhất được dùng trong công việc tiếp cận, được định nghĩa là: “Một sinh hoạt nhằm mô tả chính xác thực trạng mà chúng ta hiểu”. Quan sát không chỉ là “nhìn” theo nghĩa thông thường mà có thêm những điểm quan trọng khác nữa như: hoạch định thực hiện cho một mục đích đã phác họa trước chứ không phải tình cờ trông thấy; miêu tả phải ghi chép hay tường trình dựa trên sự kiện thu nhận, chứ không phải chỉ là những cảm tưởng hời hợt, quan sát phải có sự liên kết giữa hiện tượng và bản chất, hình thức và nội dung.
Kỹ năng đặt câu hỏi (phỏng vấn): phỏng vấn là quá trình trao đổi thông tin có chủ định, mục tiêu, mục đích, bố cục rõ ràng. Do đó, đòi hỏi cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi phải có kỹ năng phỏng vấn tốt. Yếu tố quan trọng cho một cuộc phỏng vấn đó có kết quả là: địa điểm thực hiện cuộc phỏng vấn; đặc điểm nhân thân, nguyện vọng, trình độ văn hoá, phong cách, thái độ, nhận thức và sự mong đợi của đối tượng.
Nguyên tắc trong cách phỏng vấn: chuẩn bị những nội dung trước một cuộc phỏng vấn; tạo một bầu không khí thân mật; giải thích mục đích của cuộc phỏng vấn; tập trung vào mục đích của cuộc phỏng vấn; hỏi những câu hỏi đơn giản, nối tiếp và không bế tắc; chú ý lắng nghe câu trả lời của người được phỏng vấn; quan sát thái độ của người được phỏng vấn; khuyến khích người được phỏng vấn hỏi thêm những câu hỏi mới và sắp đặt một cuộc phỏng vấn khác nếu cần.
Kỹ năng lắng nghe và kỹ năng trong việc thông đạt: kỹ năng lắng nghe không chỉ bằng tai mà cần phải biết “nghe” bằng mắt. Nếu muốn nghe và hiểu điều người khác nói, cán bộ chuyên môn cần phải chú ý các điều sau đây: nghe nhiều hơn nói; tránh xem người nào cũng như nhau; chăm chú lắng nghe không võ đoán và đừng cho rằng mình biết trước vấn đề mà người đó đã thể hiện hoặc sẽ thể hiện; điều quan trọng là phải để cho người được phỏng vấn nói, thỉnh thoảng mới hỏi họ xem họ có hiểu gì không? Tại sao họ nghĩ như vậy? Phải khách quan, tỏ thái độ thông cảm hơn là tình cảm; thái độ của cán bộ tư vấn phải tỏ ra niềm nở, dịu dàng, lịch sự, đúng mực và cảm thông với họ; phải tạo ra một bầu không khí thân thiện.
Nên tránh những biểu hiện làm cho NNMT hoặc nhóm NNMT cảm thấy có sự bất hợp tác như: cho rằng đề tài nhàm chán; không chú ý đến điều người ta nói, chủ quan, để cho cảm xúc mình gián đoạn việc lắng nghe, tập trung chỉ vào sự kiện mà không chú ý nguyên tắc của cuộc phỏng vấn; sao nhãng hoặc giả vờ chăm chú.
Tác phong cần có của người biết lắng nghe: xem xét môi trường xung quanh, cần tránh sự quan tâm, sao nhãng những tiếng ồn, phòng nóng hay lạnh, ngồi khoảng cách xa hay gần, chỗ ngồi; tập trung đến người đang nói, dùng kỹ thuật không lời như nhìn vào mắt, mỉm cười, gật đầu và ra dấu hiệu chân tay; nên dùng một số câu hỏi khích lệ, hưởng ứng người nói. Chấp nhận cảm nghĩ của họ, đừng bao giờ nói với họ rằng: “Bạn không thể, không được, không nên nghĩ như vậy…. và tránh dùng những câu hỏi làm cho người đối thoại trở nên dè dặt như: “Bạn phải; tốt hơn bạn không nên; tại sao bạn không làm như tôi; hãy bỏ qua; bạn sai; bạn dở quá; bạn nên biết rõ hơn…” Nguyên tắc của việc lắng nghe là không nên ngắt lời người nói. Nên hỏi để làm sáng tỏ, không nên bóp méo, thay đổi điều người ta nói khiến cho ý nghĩ câu của người nói bị thay đổi và làm cho họ thay đổi thái độ.
Tóm lại, tiếp cận với người nghiện ma túy dù là trước hay sau khi cắt cơn nghiện đều đem lại cho đối tượng cơ hội khám phá quá khứ, tiền sử cá nhân có liên quan đến việc sử dụng của họ. Việc một người nghiện ma tuý phủ nhận sự thực sẽ càng được củng cố theo năm tháng, bề dày của quá trình họ sử dụng ma túy. Xoá tan sự phủ nhận này cũng đồng nghĩa với việc bắt họ phải đối đầu với sự thật phũ phàng của cuộc đời mà bấy lâu nay họ vẫn thường né tránh. Một phần của sự phủ nhận thể hiện ở việc họ thường hợp lý hóa thất bại của mình trong việc từ bỏ ma túy. Việc tháo gỡ cho đối tượng những vướng mắc loại này cũng tương tự như khi chúng ta bóc hành từng lớp một. Biện pháp tiếp cận với NNMT là biện pháp đối diện trực tiếp, thử thách niềm tin và trách nhiệm cá nhân của mỗi người nghiện.
Lan Anh