Nguy cơ mai một làng tranh
Nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế cho biết: nghề làm tranh dân gian Đông Hồ thịnh nhất là vào những năm 1945 trở về trước với 17 dòng tranh các loại. Kể từ đó đến năm 1985, tranh Đông Hồ gần như không còn được mọi người chú ý. Bước vào những năm đổi mới, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được khôi phục trở lại với hình thức mô hình tổ làm tranh thuộc hợp tác xã do ông Nguyễn Hữu Sam làm tổ trưởng.
Mãi đến năm 1995, dòng tranh này mới được khôi phục một cách đúng nghĩa khi Bộ Văn hóa (cũ) công nhận làng tranh dân gian Đông Hồ là làng nghề truyền thống cần được bảo vệ, giữ gìn và phát huy. Từ đó đến nay, nghề làm tranh Đông Hồ đã được các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam và Trần Nhật Sở cùng gia đình lưu truyền nhân rộng mô hình.
Song, do cơ chế thị trường và cách hưởng thụ văn hóa của đại bộ phận người dân đã thay đổi, họ thích sở hữu những tấm tranh, ảnh hiện đại như: cảnh thiên nhiên, bloc lịch khổ lớn có ảnh thiếu nữ, bon sai… nên dòng tranh dân gian Đông Hồ với các tích trò như: đám cưới chuột, đánh ghen, hứng dừa, đàn lợn… không còn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Cũng từ đó, nghề làm tranh Đông Hồ nổi tiếng một vùng Kinh Bắc dần mai một, đa phần các hộ dân làm tranh đã chuyển sang làm hàng mã.
Không khuyến khích vẫn phát triển
Xe chúng tôi không thể chạy quá 20 km/giờ bởi dọc trục đường dẫn tới UBND xã Song Hồ nườm nượp xe ô tô, xe máy đủ các loại biển kiểm soát về đây đóng hàng mã chuyển đi nơi khác. Dù người dân Song Hồ chỉ có một sào Bắc bộ đất canh tác trên mỗi khẩu nhưng từ lâu người dân Đông Hồ không mấy ai sống nhờ vào mảnh ruộng đó, mà chủ yếu họ sống bằng nghề làm hàng mã. Cứ mỗi dịp như ngày rằm tháng 7 âm lịch hay Tết Nguyên đán… người dân làng Đông Hồ lại mướt mồ hôi cũng không đáp ứng đủ những đơn đặt hàng.
Dạo quanh làng, chúng tôi chứng kiến trong các nhà dân, nhà nào nhà nấy chất ngất nguyên vật liệu làm mã như giấy bìa, màu, phẩm, các khung hình mây, tre, nứa để làm đồ mã, từ ngựa, voi, ti vi, tủ lạnh, máy bay, xe hơi, nhà lầu… đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Tuy đã được đồng nghiệp giới thiệu, nhưng quả thật khi đến làng tranh dân gian Đông Hồ dù có tưởng tượng mấy tôi cũng không thể tin vào mắt mình bởi có tới “cả núi” hàng mã tập trung thành đống to, đống nhỏ suốt từ trong nhà ra đường cái, không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương khác hẳn với 3 gia đình làm nghề tranh dân gian truyền thống.
Nghề làm hàng mã yêu cầu tính cần cù, tỷ mẩn, ngày công thu được tuỳ thuộc vào từng gia đình làm hàng cao cấp hay hàng chợ. Không chỉ những lao động chính mà cả người già, trẻ em tranh thủ thời gian rảnh rỗi miệt mài, cặm cụi cắt dán, pha hồ...
Phó Chủ tịch UBND xã Song Hồ Nguyễn Văn Tuân cho biết: Toàn xã có trên 1200 hộ, nhưng có tới 80% số hộ đã chuyển nghề từ làm tranh dân gian sang làm hàng mã. Nếu làm hàng cao cấp như voi, ngựa, ô tô, máy bay… thì ngày công có thể lên tới 70.000 đồng/người/ngày, nếu làm những mặt hàng đơn thuần như giày dép, mũ áo thì được 35.000-40.000 đồng/người/ngày nên phần lớn số người dân ở đây sống được nhờ vào nghề làm hàng mã. Số hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm từ nghề làm mã không còn là chuyện hiếm ở Song Hồ. Cả xã đã có 35 gia đình mua được ô tô, trong đó có nhiều xế hộp lên tới cả tỷ đồng.
“Có cầu, ắt có cung” âu cũng là chuyện dễ hiểu. Mặc dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam không khuyến khích phật tử đốt nhiều vàng mã, nhưng do đây là nhu cầu tâm linh có từ lâu đời, nên Giáo hội hướng dẫn, giải thích để phật tử tự giác ngộ hạn chế dần, giảm thiểu việc đốt vàng mã gây thiệt hại về môi trường và kinh tế, nên lưu giữ nét nhân văn trong văn hóa lễ hội.
Nguyễn Viết Tôn