Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Theo Quy hoạch, sẽ giảm số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện tự nguyện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo người nghiện ma túy khi có quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đều có cơ sở cai nghiện để thi hành quyết định; các cơ sở cai nghiện tự nguyện phải gắn kết với cộng đồng.
Đa dạng các loại hình cơ sở cai nghiện để người nghiện ma túy tiếp cận các dịch vụ cai nghiện ma túy theo nhu cầu. Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức đào tạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện ma túy.
Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở cai nghiện tự nguyện theo hướng xã hội hóa nhằm huy động các tập thể, cá nhân đóng góp cho công tác cai nghiện ma túy; nghiên cứu, thí điểm đặt hàng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở cai nghiện dân lập, cơ sở cai nghiện tự nguyện đủ điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện ma túy bắt buộc.
Mục tiêu đến năm 2020, giảm số lượng cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc trong quy hoạch xuống còn 71 cơ sở; giảm quy mô, khả năng cung cấp dịch vụ cai nghiện bắt buộc còn 20.000 người; 52 cơ sở cai nghiện không nằm trong diện quy hoạch có chức năng cai nghiện bắt buộc thực hiện chuyển đổi thành cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (trong đó có cả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế) hoặc cơ sở khác.
Phấn đấu thành lập tối thiểu 30 cơ sở cai nghiện tự nguyện dân lập; tăng số lượng, quy mô, khả năng tiếp nhận, cung cấp dịch vụ của các cơ sở cai nghiện đáp ứng nhu cầu cai nghiện của 80% số người nghiện có hồ sơ quản lý (tương đương khoảng 200.000 người); 90% cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện theo quy định của pháp luật; nâng cấp 140 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thành cơ sở cai nghiện tự nguyện; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ sở cai nghiện được đào tạo, cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận theo tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.
Định hướng đến năm 2030, tiếp tục phấn đấu giảm 50% về quy mô cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc so với năm 2020; 100% cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ sở cai nghiện được đào tạo nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật. Đặt hàng tổ chức cai nghiện bắt buộc đối với các cơ sở cai nghiện dân lập, cơ sở cai nghiện tự nguyện đủ điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện bắt buộc.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, quản lý cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc theo vùng, khu vực. Bên cạnh đó, thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương mình thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy phù hợp với quy hoạch; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện; hướng dẫn tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại địa phương để thực hiện quy hoạch.
TH