Hiện nay, cả nước có 142 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó: 82 cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng (gồm cả chức năng cai nghiện bắt buộc), 41 cơ sở cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý và 19 cơ sở cai nghiện do tư nhân thành lập. Tổng công suất vào khoảng 50.000-60.000 người nhưng hầu như các Trung tâm hiện nay chỉ đạt tỷ lệ sử dụng công suất từ 20-30%. Nhiều Trung tâm hiện nay rơi vào tình trạng có số cán bộ bằng, hoặc thậm chí nhiều hơn cả số học viên cai nghiện.
Để đẩy mạnh công tác cai nghiện trong thời gian tới, một giải pháp rất quan trọng là cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công năng các Trung tâm cai nghiện tập trung hiện nay sang dạng đa năng, không chỉ bó hẹp trong nhiệm vụ chỉ cai bắt buộc như lâu nay, nhất là đối với các tỉnh còn nghèo và số người nghiện không nhiều. Hoạt động của Trung tâm cần theo hình thức “mở” tương tự như các bệnh viện nhận bệnh nhân vào chữa trị với môi trường thân thiện, hấp dẫn, tận tình và chu đáo.
Đồng thời tăng cường tính tự chủ và tự hạch toán của các Trung tâm để đỡ phần nào gánh nặng kinh phí Nhà nước trong hoạt động các Trung tâm. Khuyến khích người nghiện đi cai tự nguyện cả ở các cơ sở tư nhân và Trung tâm nhà nước cũng như cai tại gia đình, cộng đồng. Với các cơ sở cai nghiện tư nhân, cần nghiên cứu chuyển từ phương thức cấp Giấy phép hoạt động cai nghiện như hiện nay sang hình thức cấp Đăng ký cơ sở cai nghiện khi đủ các điều kiện theo quy định và giao các địa phương chịu trách nhiệm quản lý.
Kinh phí thuốc cắt cơn, phục hồi sức khỏe và ăn uống, sinh hoạt hàng ngày do các học viên hoặc gia đình chịu trách nhiệm. Nhà nước hỗ trợ các chi phí cần thiết còn lại, kể cả tiền lương cán bộ, nhân viên Trung tâm và khấu hao cơ sở vật chất cùng số tiền điện, nước không nhỏ cho sinh hoạt hàng ngày của các học viên.
Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ hoạt động cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho cả người cai nghiện và cả gia đình, cộng đồng khi tham gia hoạt động này. Hiện nay các chế độ và kinh phí cho công tác cai nghiện tại cộng đồng còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần cho giai đoạn cắt cơn, giải độc; các chế độ hỗ trợ cho người cai nghiện về tiền thuốc, chi phí học nghề, tư vấn, tạo việc làm cỏn rất hạn hẹp, thường chỉ áp dụng cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo nên hầu như rất ít người được trợ giúp; các địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, quản lý và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ hoặc nhóm tự lực sau cai.
HN