Núi Bà Đen sẽ phát triển trở thành một điểm đến có chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao trong không gian kết nối với thành phố Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và du lịch quan trọng khác của Tây Ninh, liên kết chặt chẽ với du lịch thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; khắc phục tính thời vụ, gắn liền phát triển du lịch với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
Du lịch văn hóa - tâm linh được xác định là sản phẩm du lịch chính, là hướng ưu tiên quan trọng của Khu du lịch núi Bà Đen, với hoạt động chính dành cho du khách là hành hương, lễ Phật và lễ Bà.
Du lịch tham quan, khám phá với các hoạt động: Đi bộ, leo núi; ngắm cảnh, ngoạn cảnh; tham quan vườn thực vật, trang trại (tổ chức cho khách ươm trồng giống cây riêng gửi chăm bón để định kỳ quay chở lại chăm sóc cây cảnh hoặc thu hoạch cây trái mang về); tìm hiểu khu bảo tồn gen (khoanh nuôi, gây nhân giống ốc, thằn lằn núi và các loại động vật bản địa khác); khám phá hang động (khai thác các hang động trên núi phục vụ khách tham quan, kết hợp theo các tuyến đi bộ khác nhau để tiếp cận các hang động).
Du lịch thể thao: Với loại hình du lịch thể thao cần tổ chức các sản phẩm, dịch vụ theo 3 gói sản phẩm leo núi phù hợp nhu cầu của các thị trường khách khác nhau: leo núi dã ngoại, leo núi thể thao, leo núi mạo hiểm, không phát triển tiếp cáp treo lên đỉnh núi để đảm bảo cảnh quan, môi trường và dành hướng khám phá cho các đối tượng có nhu cầu tham gia hoạt động leo núi, thưởng ngoạn cảnh quan từ trên cao.
Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế về địa hình, phát triển loại hình du lịch thể thao mô tô, ô tô địa hình với các sản phẩm phục vụ nhu cầu: giải trí, thể thao. Từng bước hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, quy mô, được tổ chức chuyên nghiệp.
Các sản phẩm du lịch bổ trợ gồm có du lịch sinh thái (chủ yếu là đi bộ trong rừng, tìm hiểu động thực vật, ngoạn cảnh); nghỉ dưỡng (tổ chức một số cơ sở lưu trú ở một số khu vực như Núi Phụng, Ma Thiên Lãnh để phục vụ khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú); các dịch vụ vui chơi giải trí (tổ chức một số điểm thể thao nước, câu cá khu vực phía Tây và Tây Bắc núi trên cơ sở cải tạo các hồ nhỏ tại các điểm khai thác đá cũ); cắm trại, tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc
Các sản phẩm liên kết với các địa bàn trong tỉnh: kết hợp tham quan tòa thánh Tây Ninh, với tham quan, mua sắm tại cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, khu vực Hồ Dầu tiếng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tham quan căn cứ Trung ương Cục.
Định hướng phát triển thị trường du lịch
Thị trường khách du lịch nội địa
Thị trường khách du lịch nội địa tiếp tục là thị trường khách chính của khu du lịch núi Bà Đen. Khách đi du lịch tâm linh vẫn chiếm tỷ trọng chính. Tuy vậy, khi các sản phẩm du lịch được tổ chức đa dạng hơn thì tính thời vụ sẽ có sự điều chỉnh, đồng thời các sản phẩm thị trường khách này sử dụng sẽ phong phú hơn, thời gian lưu trú được kéo dài hơn.
Theo mục đích du lịch, các thị trường theo thứ tự ưu tiên gồm: khách du lịch tâm linh, khách tham gia hoạt động thể thao, vui chơi giải trí và khách tham quan, khám phá, du lịch sinh thái.
Thị trường khách du lịch quốc tế
Với các sản phẩm du lịch mới và việc cải thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có thì thị trường khách du lịch quốc tế đến núi Bà Đen sẽ tăng lên đáng kể.
Thị trường khách gần từ Campuchia, Thái Lan đi đường bộ qua cửa khẩu, kết hợp sản phẩm du lịch mua sắm cửa khẩu hoặc kết hợp tham quan Toà thánh Tây Ninh. Khách đi theo nhóm bạn bè hoặc nhóm gia đình. Chủ yếu tham gia thể thao, khám phá, tìm hiểu văn hoá lịch sử. Thị trường này sẽ phát triển mạnh trong thời gian sắp tới với sự hình thành Cộng đồng ASEAN thì ASEAN dự kiến vào cuối năm 2015.
Thị trường khách du lịch xa từ châu Âu, châu Mỹ, châu Úc chủ yếu là khách đi tự do, đi du lịch dài ngày ở Việt Nam, ưa thích tìm hiểu, khám phá. Tham gia chủ yếu các sản phẩm du lịch thể thao, du lịch sinh thái, tham quan khám phá. Thị trường khách du lịch quốc tế cũng là thị trường tham gia các sản phẩm du lịch kết hợp khu du lịch núi Bà Đen với các địa điểm khác như tòa thánh Tây Ninh.
Với việc phát triển các hoạt động thể thao (leo núi, đua xe, nhảy dù), núi Bà Đen có khả năng thu hút một phân khúc thị trường khách quốc tế đặc biệt hàng năm ổn định tham gia các sự kiện thể thao này, trong đó quan trọng nhất là thị trường khách tham gia các sự kiện đua xe và leo núi.
Tổ chức không gian phát triển du lịch
Các thành phần chức năng chính của Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là: du lịch tâm linh và lễ hội, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch tham quan khám phá và thể thao, vui chơi giải trí, công viên cảnh quan đô thị.
Giải pháp thực hiện quy hoạch
Về quy hoạch và quản lý quy hoạch
Xây dựng quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng và các dự án thành phần của khu du lịch quốc gia. Quản lý đầu tư xây dựng phát triển khu du lịch quốc gia đúng theo các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư được phê duyệt và các quy định của pháp luật.
Về đầu tư
Tập trung xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư. Nghiên cứu và đề xuất ban hành cơ chế thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư.
Phát triển nguồn nhân lực
Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực, đặc biệt tập trung vào đội ngũ quản lý, lao động nghiệp vụ bậc cao; đồng thời hỗ trợ đào tạo chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang làm dịch vụ du lịch. Tỉnh Tây Ninh nghiên cứu áp dụng các biện pháp thu hút nhân lực bậc cao, chuyên nghiệp; thực hiện thuê chuyên gia trong nước và quốc tế vào các vị trí then chốt.
Về xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xúc tiến quảng bá cho Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trong kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch chung của tỉnh Tây Ninh và vùng Đông Nam Bộ
Phát triển sản phẩm du lịch
Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với tâm linh - lễ hội: tổ chức tốt việc tiếp đón và phân luồng khách; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường; cung cấp đầy đủ thông tin du lịch cho khách; chỉnh đốn công tác trật tự, an toàn và bán hàng lưu niệm; đa dạng hóa các hoạt động khác bên cạnh các hoạt động lễ hội chính.
Phát triển sản phẩm du lịch khám phá: thiết kế các tuyến du lịch khám phá núi Bà Đen kết hợp với chương trình tìm hiểu vườn thực vật, xây dựng các công trình phục vụ hoạt động của khách du lịch như trung tâm diễn giải môi trường và thông tin du lịch, hệ thống đường mòn, chòi vọng cảnh, điểm dừng chân, nhà vệ sinh và lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn.
Phát triển sản phẩm du lịch thể thao: xây dựng các công trình phục vụ các hoạt động thể thao như đua xe, leo núi, bắn súng, nhảy dù lượn...; tổ chức các sự kiện thể thao nhằm thu hút sự quan tâm của thị trường.
Phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí: xây dựng hệ thống các cơ sở lưu trú đa dạng hướng tới các phân đoạn thị trường khác nhau; đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí với các tính chất và hình thức đa dạng.
Về thu hút thị trường
Đối với thị trường khách du lịch nội địa,có chính sách kích cầu vào mùa thấp điểm nhằm khắc phục tính thời vụ của du lịch núi Bà Đen. Phát triển thị trường thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên với mục đích khám phá, thể thao, sinh thái trải nghiệm nông nghiệp, tham quan vườn ươm, trang trại. Thu hút phân đoạn thị trường du lịch gắn với mục đích thiền và Phật học kết hợp với hành hương. Phát triển các thị trường khách du lịch vui chơi giải trí, thể thao, cắm trại, dã ngoại...
Đối với thị trường khách du lịch quốc tế, phát triển thị trường khách quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hãng lữ hành, các khách sạn...; thị trường khách quốc tế đi đường bộ từ Thái Lan và Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế của Tây Ninh; các thị trường chuyên biệt (du lịch thể thao, đua xe, leo núi, mạo hiểm) thông qua việc tổ chức các sự kiện thể thao chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và nghiệp dư
Liên kết phát triển du lịch
Liên kết giữa đầu tư phát triển du lịch với các ngành và lĩnh vực khác; liên kết và phát triển sản phẩm du lịch giữa núi Bà Đen với các trọng điểm phát triển du lịch khác trong tỉnh Tây Ninh; liên kết phát triển thị trường với thành phố Hồ Chí Minh; liên kết với các khu du lịch quốc gia khác của vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên cũng như với các khu điểm du lịch quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Bảo vệ tài nguyên và môi trường
Xác định cụ thể các tuyến du lịch sinh thái và áp dụng nghiêm các quy định đối với hoạt động du lịch sinh thái trong không gian bảo vệ thuộc phạm vi quy định về quản lý di tích và rừng đặc dụng.
Thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường; khuyến khích các sản phẩm du lịch thân thiện môi trường; tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ và phát triển nguồn gen bản địa tại vườn thực vật. Thực hiện bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng một cách đúng phương pháp, khoa học
Xây dựng kế hoạch quản lý môi trường đối với Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen, trong đó tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước, nguyên vật liệu... trong khu du lịch quốc gia; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống hạ tầng môi trường của khu du lịch quốc gia và nâng cao nhận thức về môi trường.
Phấn đấu đến năm 2020 núi Bà Đen cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia, đến năm 2030 Khu Du lịch núi Bà Đen trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao và du lịch sinh thái của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; cùng với Tòa thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng và thành phố Tây Ninh trở thành một điểm đến quan trọng, một trong những sản phẩm du lịch hàng đầu của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Mục tiêu đề ra, Khu du lịch núi Bà Đen năm 2020 đạt 4.000 nghìn lượt du khách, tổng thu từ khách du lịch là 1.345,300 tỷ đồng, nhu cầu cơ sở lưu trú là 150 buồng; năm 2030 đón 6.100 nghìn lượt du khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 4.240,720 tỷ đồng, nhu cầu cơ sở lưu trú là 450 buồng.
|
ThS. Hoàng Đạo Bảo Cầm
(Tạp chí Du lịch)