Hà Nội được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch phong phú đặc sắc, trong đó có 5.847 di tích; 1.350 làng nghề; lượng khách du lịch tăng ổn định bình quân 10%/năm, doanh thu từ du lịch tăng bình quân 15,5%/năm. Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách, đặc biệt là khách cao cấp. Tính đến hết 2016 trên địa bàn thành phố có 576 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số buồng đạt 21.757 buồng, trong đó phòng khách sạn 5 sao là 4.789 buồng, phòng khách sạn 4 sao là 2.239 buồng…, trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 12 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ 2016; khách quốc tế đạt gần 5 triệu lượt, tăng 5% so với cùng kỳ 2016.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, du lịch thủ đô chưa được phát huy hết tiềm năng thế mạnh, chưa tạo được sự thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp, thu hút tái đầu tư vào du lịch. Một trong những nguyên nhân chính là khả năng quản lý hệ thống tài nguyên du lịch, điểm đến và các hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế.
Dựa trên hiện trạng và nhu cầu du lịch Hà Nội, các giải pháp du lịch thông minh dự kiến triển khai gồm: phân tích hành trình trải nghiệm của du khách; lợi ích của khách du lịch, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.
Đề án sẽ cung cấp các giải pháp thông minh trên nền tảng công nghệ thông tin. Các phần mềm ứng dụng sẽ được xây dựng để du khách có thể thực hiện một chương trình du lịch hoàn toàn qua hệ thống internet, từ tìm hiểu, cập nhật thông tin về Hà Nội qua các cổng thông tin du lịch, mạng xã hội và các diễn đàn du lịch; đặt vé, phòng khách sạn qua mạng; tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết; tương tác mạng xã hội trên suốt lịch trình; thanh toán dịch vụ bằng thẻ thông minh; nhận các thông tin sự kiện văn hóa, du lịch Hà Nội; đánh giá, góp ý về chất lượng dịch vụ, phục vụ của du lịch thủ đô...
Theo đó, du lịch thông minh sẽ mang lại lợi ích nổi bật cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động du lịch. Đối với cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng hiệu quả quản lý điểm đến, điều hành toàn diện hoạt động du lịch. Quảng bá du lịch hướng tới phạm vi toàn cầu, thu thập thông tin đầy đủ từ phản hồi của du khách để có điều chỉnh phù hợp. Đối với du khách, được cảm nhận sự khác biệt, nổi trội, tiện lợi; phong phú trải nghiệm, kiến thức văn hóa, du lịch được nâng cao. Đối với doanh nghiệp sẽ mở rộng cơ hội kinh doanh, tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi du lịch dịch vụ hoàn chỉnh…
Theo kế hoạch, đề án sẽ được triển khai trong quý IV/2017, lộ trình thực hiện gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2017 - 2018; giai đoạn 2 từ 2019 – 2020.
Việt Hùng