Thực tế cho thấy, không ít du khách chia sẻ rằng họ rất thích các sản phẩm lưu niệm của Hà Nội, nhưng một sự thật đáng buồn là nguồn thông tin về “phố nghề” cũng như các sản phẩm lưu niệm ở đây lại vô cùng hạn chế. Khi được hỏi về nội dung này, phần lớn du khách lần đầu tiên đến Hà Nội, đặc biệt là đối tượng khách lẻ (không theo đoàn du lịch, không nhận thông tin chính thức từ hướng dẫn viên) đều trả lời rằng thông tin họ có được sơ sài, không đầy đủ. Nguyên nhân chính là do hiện nay phố cổ Hà Nội chưa có một hệ thống thông tin chủ động và trực tiếp chỉ dẫn cho du khách mua sắm sản phẩm lưu niệm nhanh chóng, thuận tiện.
Nhu cầu được thông tin và mua sắm là những nhu cầu quan trọng của du khách. Các chỉ tiêu quan tâm chính là giá trung bình của sản phẩm, vị trí các cửa hàng đặc trưng cũng như lộ trình các tuyến “phố nghề” trên bản đồ.
Cung cấp và cập nhật những con số chính xác về giá sản phẩm lưu niệm là việc làm bất khả thi. Tuy nhiên, hệ thống chỉ dẫn thông tin có thể cung cấp khoảng dao động về giá của các mặt hàng tương đồng về chất liệu hay chủng loại giúp du khách có cơ sở nhất định để lựa chọn và quyết định cũng như tránh được những rủi ro của nạn chặt chém, lừa đảo… Tất nhiên, mức độ chính xác hay lợi ích của thông tin này là tương đối nhưng cũng sẽ phần nào đem đến cho du khách sự hài lòng và yên tâm hơn.
Các bản đồ du lịch hiện nay hầu như đều giới thiệu chung về khu phố cổ nhưng không có chỉ dẫn cụ thể về hệ thống cửa hàng lưu niệm cũng như những dịch vụ ăn uống, giải trí khác. Bên cạnh đó, hệ thống biển chỉ dẫn trên đường phố chưa đầy đủ và khó nhìn do bị thân cây, dây điện che lấp. Rõ ràng, Hà Nội với những “phố giăng mắc cửi chạy quanh bàn cờ” dễ khiến nhiều du khách lạc đường hoặc tốn thời gian di chuyển nếu như họ không có thông tin chính xác về các tuyến phố mua sắm chủ yếu. Như vậy, bên cạnh việc cải thiện hệ thống biển báo chỉ dẫn đường phố, thông tin về các tuyến “phố nghề” và sản phẩm lưu niệm truyền thống cần được quan tâm và bổ sung hợp lý.
Việc xây dựng hệ thống chỉ dẫn du lịch nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của du khách đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự đóng góp của các bên liên quan. Điểm đáng lưu ý là hệ thống IT kiosk - trạm tra cứu thông tin du lịch - thực hiện theo công nghệ của hãng 3M (Mỹ), tích hợp của phần mềm ứng dụng dạng web (web applications) và màn hình cảm ứng (touch screen) đã được ứng dụng ở Hà Nội từ năm 2006 (chỉ sau Singapore trong khu vực). Những ứng dụng của hệ thống thông tin này khá thông minh, tiện lợi song đòi hỏi việc cập nhật thường xuyên theo thời gian. Cho đến nay, số lượng du khách sử dụng kiosk này để tìm kiếm thông tin chỉ chiếm một lượng rất nhỏ. Thực tế chỉ ra rằng ứng dụng này là bất cập và không phù hợp nhất là khi hầu hết các trạm tra cứu trong tổng số 40 trạm đã bị hư hỏng nặng. Bởi vậy, nên chăng việc tìm giải pháp ở những cách thức có khả năng tăng mức độ tiếp cận với du khách?
Trước hết là, thông tin du lịch liên quan đến hệ thống điểm mua sắm, dịch vụ bổ sung… cần được khảo sát, điều tra tổng quát và cập nhật thường xuyên trên các kênh chỉ dẫn khác nhau. Đó có thể là các đơn vị được xếp hạng theo tiêu chuẩn công nhận của Sở Du lịch Hà Nội hay các trang web tư vấn du lịch quốc tế như Tripadvisor hay Lonely Planet.
Tiếp theo, cần tăng cường hệ thống bản đồ dạng “Bạn ở đây – You are here” trên các tuyến phố để chỉ dẫn cho du khách về vị trí, khoảng cách, giúp định hướng dễ dàng. Hệ thống bản đồ dạng này có thể kết hợp với thông tin mô tả về các điểm tham quan tại các bến xe bus, bến dừng của tuyến xe điện hồ Gươm - phố cổ.
Không thể bỏ qua việc chỉ dẫn thông tin trên ấn phẩm như bản đồ, tờ rơi, tờ gấp, tuy nhiên cần tích hợp với các hình thức tiện dụng như vé tham quan phố cổ bằng xe điện, vé hay thông tin giới thiệu các điểm tham quan tiêu biểu trong nội thành. Đối với hình thức này, điều cốt yếu là các thông tin phải được chọn lọc cũng như trình bày một cách khoa học và hữu ích cho du khách. Đó có thể là thông tin về các tuyến phố mua sắm chính, các mặt hàng lưu niệm đặc thù, các cửa hàng đạt tiêu chuẩn khuyên dùng... Nếu có thể thiết kế một bản đồ riêng về sản phẩm lưu niệm với các biểu tượng nhận dạng mang tính toàn cầu cùng những thông tin thiết yếu về tuyến tham quan, di tích, thắng cảnh, bưu điện, bệnh viện, đồn cảnh sát... thì sẽ rất lý tưởng và hữu dụng cho du khách.
Bên cạnh đó, thay vì sử dụng hệ thống kiosk đã lạc hậu về thông tin như hiện nay, có thể sử dụng công nghệ hiện đại để xây dựng các phần mềm (app) trên điện thoại thông minh để tích hợp giữa bản đồ chỉ dường (dạng google map, hay Vietmap) với chỉ dẫn về hệ thống cửa hàng lưu niệm và dịch vụ bổ sung khác. Các bản đồ “động” này có thể được tích hợp với các website du lịch của điểm đến Hà Nội, các đại lý lữ hành, các khách sạn... thậm chí xây dựng website tư vấn du lịch riêng về dịch vụ mua sắm hay các trang giới thiệu trên mạng xã hội như Facebook, Twitter. Quan trọng là cần tăng cường tính tương tác, đóng góp ý kiến, xếp hạng từ du khách để bổ sung và cập nhật thông tin, cũng là một kênh để các đơn vị cung cấp dịch vụ có ý thức hoàn thiện và nâng cao dịch vụ của mình.
Để có thể thực hiện những điều này, cần đến những thay đổi về chính sách quản lý ở tầm vĩ mô cũng như sự hợp tác ở góc độ vi mô từ chính hệ thống các đơn vị cung ứng dịch vụ mua sắm.
Tài liệu tham khảo:
1. Chang-Won Jeong, Yeong-Jee Chung, Su-Chong Joo, and Joon-whoan Lee (2000), Tourism Guided Information System for Location-Based Services, Chonbuk National University, Korea.
2. UNWTO (2001), Tourism sign and symbol – A status Report and Handbook, UNWTO.
ThS. Nguyễn Thu Thủy - Nguyễn Thị Út Hoa
(Tạp chí Du lịch)