Chiều nay đã thu, nhìn dòng sông Bôi không quặn đỏ lũ rừng mà hiền hòa xanh trong. Có thể nhiều người đã qua Tây Bắc nhưng cứ thế ngược đèo lên thẳng các bản làng xứ Thái, ít ai chịu nán lại nơi những dòng Bôi, Bưởi mở lối như thế này. Con sông như câu ca cất lên ngân nga rồi buông xuống, thấm đẫm nắng chiều vàng như mật kết tinh từ những cánh ong bay. Chiều nay ta đón mùa thu ở miền đất cổ. Thực ra, Mường Động chỉ là cái tên được nhắc đến sau cùng trong 4 mường lớn. Đây cũng không có nhiều danh thắng nhưng chính không gian nguyên sơ, thoáng đãng và bình yên tạo nên một sức hút kỳ lạ giục người ta ra khỏi những cao ốc để ra với trời đất Kim Bôi khoáng đạt, người dân thân thiện và hít căng lồng ngực gió đồng quê vi vút.
Thu ở đây, lúa bắt đầu chín vàng. Nếu so với mùa vàng hồi tháng 5, tháng 6 dương lịch thì vụ mùa này tạo ra một vẻ đẹp độc đáo hơn. Có lẽ vì đã ngớt những cơn mưa ngâu dai dẳng, bầu trời đã trong và cao hơn, không khí trong lành và nhất là nắng. Nắng mùa này trên đất Mường như pha mật ong đậm sánh, tràn khắp cánh đồng sóng sánh.
Tôi dẫn bạn đi dọc con đường, con đường này không chạy dọc sông Bôi mà chỉ nương theo những nơi nó đã đi qua tạo nên những xóm làng người Mường xen lẫn với những làng quê miền châu thổ sông Hồng dưới Miếu Môn, Đa Sĩ (thuộc Hà Nội)… Vùng Mường này là lối tắt để những công tử Hà Thành một thời lên đây. Ngắm nhìn bên này là ba dãy đồi điềm nhiên trong bóng chiều, qua lối đi ấy là hai ngả rẽ. Ai nhớ thương vương vấn đường xuôi thì ngược về dưới kia, quay lại phía sau lưng là đường ra hun hút phía biển Ninh Bình nơi dòng Bôi sẽ đổ về.
Ở miền đất này có những ngôi nhà xây bằng đá, người thợ rất giỏi khi xếp những viên đá thành tường nhà bằng bàn tay lành nghề. Đá hộc vừa tạo ra sự mát mẻ mùa hè, vừa ấm áp mùa đông. Những bức tường đá còn thô mộc vừa xây mà nắng mưa đã phủ màu xưa cũ làm người khách lần đầu tiên đến khó lòng cất bước chân. Bức tường dẫu không đẹp như đá ong làng cổ Đường Lâm, không mộc mạc như nhà trình tường nhưng nó như tiếng hát cất lên từ những gì thân thuộc, nơi mỗi hòn đá tắm gội từ nước dòng Bôi.
Nếu nhanh chân hơn, vào mùa hạ du khách đã được tận mắt chứng kiến những đồi sim chín mọng. Thứ quả hoang dã ấy khi được ngâm trong chum rượu của Mường, qua nhiều mùa trăng, thứ rượu cất từ hương lúa nếp dưới đồng và sim trên đồi cao tạo nên thứ men quyến rũ. Thứ men ấy chiều nay du khách cũng được thưởng thức đêm thu này.
Chiều nay, khi những đàn trâu lững thững những tấm lưng đen bóng ngược đường núi trở về, chúng tôi cũng theo tiếng mõ vào trong bản. Những dòng suối trong đã qua ngay mưa lũ trở lại bình yên, dưới mái sàn đầy ắp tiếng cười thơ trẻ. Vùng quê này, đi hết đoạn đường cũng chỉ vài chục km, rất ít nhà máy nhà cao tầng mà chỉ có màu xanh nguyên sơ của nền văn minh lúa nước.
Nếu mùa xuân lên với những bản của đồng bào người Mông ngắm hoa đào và đón tết, mùa hạ về với những vườn cây đầy hoa trái thì mùa thu bạn nên ngược sông Đà để đến với những bản Mường như thế. Như một miền cổ tích, đất Mường muôn đời ăm ắp mùa xanh của lúa, sóng sánh men rượu, nhịp chiêng, câu hát và đôi mắt người sơn nữ cũng trong trẻo như dòng nước hồ Đồng Sương mỗi độ thu về.
Bùi Việt Phương