Ngũ Hành Sơn bao gồm những ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển với diện tích khoảng 2km2. Tên gọi của các núi đá vôi này lần lượt là: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền. Các tên gọi này được đặt theo 5 yếu tố cấu thành vũ trụ: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Nơi đây rất phù hợp với những du khách có niềm đam mê du lịch thích khám phá, tham quan hệ thống hang động phong phú và độc đáo. Để có thể đi hết từ động Quan Âm (Kim Sơn), Huyền Vi (Hỏa Sơn) đến động Âm Phủ, Hoa Nghiêm, Linh Nha, Huyền Không, Vân Thông, Thiên Long, Thiên Phước Địa (Thủy Sơn)..., du khách có thể sẽ mất vài ngày. Trong đó, đẹp và nổi tiếng nhất phải kể đến động Huyền Không, nằm trên núi Thủy Sơn. Là một động lộ, trên trần lại có nhiều lỗ hổng lớn nên khi bước vào, du khách không hề cảm thấy ngột ngạt, ẩm thấp mà ngược lại rất khô, sáng và thoáng mát. Đặc biệt, vào những ngày nắng, động bừng lên luồng ánh sáng tự nhiên chiếu thẳng từ trên trần tạo thành không gian mờ ảo như chốn bồng lai.
Điều thú vị trong hành trình khám phá Ngũ Hành Sơn là sự đan xen của hệ thống hang động kỳ ảo cùng quần thể chùa chiền cổ kính. Tại Kim Sơn có chùa và động Quan Âm; Hỏa Sơn có chùa Linh Sơn và động Huyền Vi, chùa và hang Phổ Đà Sơn; Thổ Sơn có chùa Long Hoa, Huệ Quang; Thủy Sơn có chùa Tam Thai, Linh Ứng, Tam Tôn, Từ Tâm... Các ngôi chùa ở đây hầu hết đều có thế tựa lưng vào núi, tuy nằm không quá cao nhưng tĩnh mịch, linh thiêng.
Không chỉ đẹp về cảnh quan, danh thắng Ngũ Hành Sơn còn có giá trị to lớn về lịch sử. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, di tích Ngũ Hành Sơn với lợi thế về vị trí chiến lược và địa hình núi non, hang động đã một thời là địa chỉ đỏ của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 2018, danh thắng này đón gần 2 triệu lượt khách.
Sau những giờ phút phiêu du trong huyền tích Ngũ Hành, du khách sẽ dừng chân ở làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nằm ngay chân núi. Là một trong những làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng đã gần 400 năm tuổi, nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm mỹ nghệ bằng đá đẹp mắt và tinh xảo được tạo nên bởi đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân.
Đến thăm một cơ sở điêu khắc trong làng nghề Non Nước, du khách không khỏi trầm trồ trước sự phong phú và sinh động của các mặt hàng bày bán.
Những hòn đá nhỏ thô ráp, vô tri cũng được các nghệ nhân khéo léo chế tác thành nhiều món đồ lưu niệm và trang sức nhỏ xinh, làm quà cho du khách.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng thường diễn ra vào tháng 2 âm lịch luôn thu hút du khách đến tham quan, chiêm bái. Đây là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo phật; đồng thời, là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục dựng, bảo tồn những tập tục cổ truyền tốt đẹp trong lễ hội dân gian của đất nước và địa phương gắn với danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn - di tích quốc gia đặc biệt.
Thanh Hiền