Những thôi thúc bên trong bắt đầu từ chuyến đi mùa hè hai năm về trước khiến tôi xách ba lô lên rủ bạn trở về thăm lại An Giang - vùng đất của trời mây, sông núi, ruộng đồng, của những câu chuyện nhuốm màu thần tiên đẹp như ca dao, cổ tích...
Lỗi hẹn với An Giang mùa nước nổi, tôi ngược dòng về núi giữa tháng năm trời đất giao hòa, khi những cơn mưa đầu mùa thi thoảng trút xuống vùng đất nóng. Mùa nào An Giang cũng đẹp, mùa nào phố núi cũng khoác lên mình vẻ hoang dại, tiêu sơ. Mấy trăm năm người An Giang vẫn nỗ lực giữ lại cho mảnh đất của mình những thứ vốn được tạo tác bởi bàn tay của bà mẹ thiên nhiên, không cầu kỳ diêm dúa, không lộng lẫy phồn hoa, tháng năm nào An Giang cũng lặng lẽ ngắm thời gian đi qua trên khuôn mặt đơn sơ, bình dị. Vùng đất cổ tích, xứ sở bao dung, cảnh trí thiên nhiên không thể lẫn lộn vào bất cứ nơi đâu trên mảnh đất miền Tây lục tỉnh.
Tôi đến An Giang đúng ngay mùa phượng vĩ. Đi dưới những hàng cây, ngắm nhìn cả con đường đỏ rực trong màu hoa phượng vĩ, khoảnh khắc ấy khiến lòng tôi xốn xang. Tôi đứng ngẩn ngơ dưới gốc cây phượng già giữa lòng thành phố Long Xuyên trong một sớm mai đầy nắng. Bên kia đường, phượng vĩ nở rộ khắp sân trường, cánh cổng khép hờ, cái trống lặng im khi mùa hè chạm ngõ. Tôi đứng lặng trải lòng thêm chút nữa rồi vấn vương từ giã thành phố Long Xuyên đi về phố núi tiếp tục cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp hoang sơ huyền bí của sông nước, núi đồi và con người An Giang mà tôi từng nghe kể trong những câu chuyện thần thoại.
Chúng tôi vừa kịp đặt chân đến thành phố Châu Đốc khi gần tới trưa. Khác với Long Xuyên nhộn nhịp, hiện đại, có lẽ Châu Đốc trầm mặc hơn nhiều. Ánh mặt trời rọi vào những ngôi nhà cổ kính. Tôi ngồi quệt mồ hôi trên chiếc ghế đá nơi công viên ngã ba sông Châu Đốc, ngắm nhìn tượng đài cá basa - một trong những biểu tượng của Châu Đốc, nét đẹp riêng của đô thị sông nước miền Tây. Từ đây, nhìn ra làng nổi Châu Đốc dập dềnh giữa dòng sông mênh mông, sóng nước xanh biếc, lục bình từng cụm trôi theo dòng về đâu không biết. Làng nổi Châu Đốc điển hình cho nét văn hóa và sinh hoạt của người dân miền sông nước, thương sao bao năm tháng người An Giang vẫn trụ lại trong căn nhà bè lênh đênh trên mặt nước, sống một cuộc đời bình dị, giản đơn. Trên dòng sông, ghe thương hồ tấp nập, những chiếc xuồng tứ xứ đổ về trên xuồng chở đầy những sản vật miệt vườn sẵn sàng cho buổi họp chợ ở một quãng sông nào đó. Trên cung đường từ chân Núi Sam đi về hướng Tịnh Biên, tôi đã đi qua không biết bao nhiêu chiếc cầu, ngắm không biết bao nhiêu dòng sông uốn lượn giữa cánh đồng bạt ngàn xanh mướt. Tháng năm, lục bình níu nhau vây kín mặt sông. Hai bên bờ cỏ lau phơ phất, đồng bãi phù sa, ai đốt đống cỏ khô giữa trời nắng tháng năm ngọn khói tỏa ra rồi êm ả tan vào vô thanh ngọn gió. Hiếm lắm tôi mới bắt gặp lũ vịt chạy đồng với những khuôn mặt tảo tần rám nắng. Ôi, cảnh quê thanh bình! Tôi thấy lòng mình an yên trên chính miền quê rêu gió của tôi...
Về An Giang, về giữa mùa thốt nốt Tri Tôn, tôi say lòng trước những hàng thốt nốt thẳng tắp, thân cây vươn cao, nằm trên cánh đồng xanh rờn sóng cỏ. Cây thốt nốt giản dị, mộc mạc, cánh đồng bát ngát, dòng sông uốn khúc dưới quanh co. Xa xa, núi đá sừng sững nghiêng nghiêng trong bóng chiều. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh phong cảnh đẹp đến mê mẩn, đắm say. Núi hùng vĩ, đồng mênh mông, sông hiền hòa, bầu trời và mặt đất giao nhau trong sắc xanh thiên thanh ngọt ngào duy mỹ.
Chiều trên đất Tri Tôn, tai tôi nghe thanh âm đất trời, tiếng hót của loài chim lạ, tiếng lá thốt nốt quật khẽ vào nhau và tiếng lũ trẻ Khmer đùa nghịch nơi giếng nước giữa cánh đồng, những đôi mắt trong ngần ngước lên nhìn bầu trời xanh thẳm. Lòng tôi bình lặng. Chúng tôi bùi ngùi ngoái lại Tri Tôn rồi kịp trở về ngắm hoàng hôn trên miền Thoại Sơn sương phủ...
Hoàng Khánh Duy