Tại buổi làm việc, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã báo cáo những nét nổi bật về văn hóa, thể thao, du lịch. Theo đó, lĩnh vực văn hóa và gia đình, tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch, đề án nhằm phát huy các giá trị về văn hóa, di tích lịch sử và con người Quảng Trị. Trong đó nổi bật là đề án “Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn và Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất năm 2022”; đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025... và hệ thống chiếu sáng các di tích quốc gia đặc biệt, nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia nhằm phục vụ nhân dân và phát triển du lịch về đêm; tiếp tục triển khai đề án bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030.
Lĩnh vực thể thao, tỉnh đã triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, giai đoạn 2021 - 2030”; chương trình bơi an toàn, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em; đề án tổng thể phát triển thể lực, t���m vóc người Việt Nam giai đoạn 2016 - 2030 tỉnh Quảng Trị. Đến nay, tỉ lệ người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 35,5%, tỉ lệ gia đình thể thao đạt 27,2%, có 800 câu lạc bộ và điểm tập TDTT trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực du lịch, tỉnh đã tậptrung chỉ đạo triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch. Quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, phát triển du lịch tỉnh, quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đến đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng như đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tuyến đường ven biển nối Quảng Bình và Thừa Thiên Huế… Tích cực nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, có thế mạnh của tỉnh, phát triển các sản phẩm du lịch biển, đảo. Xây dựng phát triển thương hiệu điểm ��ến du lịch Quảng Trị như “Ký ức chiến tranh - Khát vọng Hòa Bình”, “Con đường Di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại…”. Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Quảng Trị với Savannakhet-Mukdahan, tổ chức khảo sát xúc tiến, quảng bá du lịch qua cửa khẩu quốc tế La Lay và tuyến du lịch phía Tây đường Hồ Chí Minh ra Quảng Bình. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch với 4 tỉnh trong khu vực gồm Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình.
Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cũng đề nghị Bộ VHTTDL quan tâm, hỗ trợ về chuyên môn, nguồn lực để giúp tỉnh tổ chức thành công một số hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất năm 2022. Nổi bật là các chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị; lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị; liên hoan nghệ thuật quốc tế “Ước nguyện hòa bình”. Tổ chức trại sáng tác điêu khắc đá “Cồn Cỏ - Khát vọng hòa bình”... Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Bộ VHTTDL hỗ trợ phát triển sự nghiệp VHTTDL. Nổi bật là xây dựng công trình Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị; tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh.
Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo các Tổng cục, cục thuộc Bộ VHTTDL đã trao đổi về một số nội dung đề xuất của tỉnh Quảng Trị liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước; tổ chức một số giải thể thao phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Quảng Trị; tham mưu trong quá trình lập quy hoạch và xây dựng Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, hỗ trợ về nhân lực và vật lực giúp tỉnh Quảng Trị tổ chức thành công các ngày lễ lớn.
Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian tới, trong quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Tổng cục Du lịch sẽ rà soát, bổ sung Khu du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp cùng tỉnh Quảng Trị triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Ngoài ra, sẽ phối hợp cùng Sở VHTTDL Quảng Trị giới thiệu, quảng bá về Quảng Trị trên các mạng xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng bày tỏ sự vui mừng về những định hướng phát triển của Bộ VHTTDL đã đề ra trong đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 và tin tưởng rằng, Bộ VHTTDL sẽ có đột phá mới trong nhiệm kỳ này. Bí thư tỉnh ủy Lê Quang Tùng cho hay, dù là địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đến phát triển VHTTDL, xem văn hóa là cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị có nhiều lĩnh vực VHTTDL. Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Bộ VHTTDL quan tâm, hỗ trợ Quảng Trị một số thiết chế văn hóa, hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử ở Quảng Trị bằng những chương trình, đề án, cụ thể.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL là bộ đa ngành. Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII nên Bộ VHTTDL có nhiều điều kiện làm việc với các địa phương. Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh bị tác động và ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng với sự quyết liệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh bằng các chương trình, hành động sát với thực tiễn. Chính vì thế, Quảng Trị đã thực sự trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư với các dự án động lực.
Bộ trưởng cho biết, trong lĩnh vực văn hóa, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã quan tâm, kế thừa Nghị quyết Đại hội Đảng khóa 16 của tỉnh đề ra. Trong phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Trị cũng xác định công nghiệp điện nặng, chế biến là chủ đạo và xem đây là khâu đột phá, trọng tâm. Nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ là nhiệm vụ thường xuyên. Để phát huy hành lang kinh tế Đông Tây thì du lịch, dịch vụ là khâu mũi nhọn. Đề cập về du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn nhưng Quảng Trị đã biết tận dụng lợi thế của tỉnh kết nối với hai địa phương là Huế và Quảng Bình, qua đó đã phát huy được giá trị di tích lịch sử cách mạng, quá khứ hào hùng.
Để phát huy giá trị các di tích tại Quảng Trị, Bộ trưởng gợi mở, tỉnh nghiên cứu trình UNESCO hồ sơ công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di sản văn hóa thế giới. Nếu được công nhận, nó sẽ góp phần giúp cho địa phương phát triển du lịch. Về quy hoạch các khu du lịch, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Trị sớm triển khai để có điều kiện kết nối với các khu du lịch trọng điểm quốc gia.
Đề cập đến từng đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng bày tỏ ủng hộ việc tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó tập trung cho di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… Bộ trưởng đề nghị tỉnh sớm lập dự án, đưa vào danh mục dự án đầu tư.
Đối với các hoạt động trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị cần phải cân đối, phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngoài ra, về Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất năm 2022 và các hoạt động nghệ thuật liên quan, Bộ trưởng cho biết, sẽ hỗ trợ tỉnh trong việc tham vấn, xây dựng kịch bản, chuyên môn và nguồn lực cụ thể. Đồng thời, Bộ cũng sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Trị trong việc đầu tư, xây dựng một số thiết chế văn hóa trên địa bàn và nâng cao quy mô trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của địa phương.
Tuấn Sơn