Nguyên Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn - Thành quả của Du lịch Việt Nam là sự đóng góp của nhiều thế hệ
*Bối cảnh của hoạt động du lịch thời điểm ông về nhận công tác tại TCDL có gì đặc biệt, thưa ông?
Từ tháng 5/2009, tôi chính thức rời thành phố Hạ Long về TCDL làm việc với cương vị Tổng cục trưởng TCDL - đứng đầu ngành kinh tế rất tiềm năng của Việt Nam, đó thực sự là niềm vinh dự đối với tôi. Đối với tôi lúc đó có những thuận lợi và có nhiều khó khăn thách thức. Sự thuận lợi là trước khi về TCDL tôi đã có một hành trình khá dài hơn 10 năm trực tiếp làm việc trong ngành Du lịch hoặc gián tiếp nhưng ít nhiều đều có gắn bó với hoạt động du lịch, nên tôi có sự hiểu biết nhất định cả về thực tiễn và lý thuyết. Thứ hai, thời điểm đó hoạt động du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong bối cảnh như vậy tôi nhận được sự ủng hộ của hầu hết cán bộ công chức và người lao động trong cơ quan TCDL. Thứ ba, tôi được lãnh đạo Bộ VHTTDL quan tâm, khích lệ để có thể bắt đầu công việc của mình… Tất cả những điều này rất quan trọng để tôi có thêm niềm tin và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, đó cũng là thách thức lớn. Trước hết, từ địa phương lên làm việc ở vị trí đứng đầu ngành kinh tế quan trọng của đất nước thì tầm vóc, quy mô rất khác, đòi hỏi không chỉ chuyên môn mà còn là các mối quan hệ, năng lực quản trị, xử lý công việc, các vấn đề liên quan…, đó là những điều rất khó khăn đối với tôi, đòi hỏi phải từng bước vượt qua. Thứ hai, ngành Du lịch lúc đó rơi vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008 - 2009), đó là giai đoạn trầm lắng khách quốc tế. Khi đó quy mô khách nội địa cũng còn ít, đòi hỏi phải có những giải pháp để từng bước phục hồi và vực dậy ngành Du lịch. Thứ ba, trong nội bộ bên cạnh những người ủng hộ thì có những người chưa thực sự chia sẻ và cần phải có khoảng thời gian để có thể hiểu và chia sẻ lẫn nhau. Tôi rất mừng vì sau này đã vượt qua được những yếu tố như thế.
*Trong thời gian ông công tác, ngành Du lịch đã có một sự bứt phá rất mạnh mẽ, thể hiện qua việc lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 15 triệu lượt (năm 2018). Ông có thể chia sẻ về những nỗ lực của ngành để có được sự tăng trưởng vượt bậc như vậy?
Tôi cho rằng, chúng ta đã có được 3 năm liên tiếp tăng tốc, bứt phá, hay có thể nói là sự đột phá mạnh mẽ. Năm 2015 chúng ta đạt được 8 triệu lượt khách và đến năm 2018, chúng ta đạt được 15 triệu lượt khách, tăng gần gấp đôi. Đó có thể nói là kỳ tích của ngành Du lịch mà sau này khó có thể lặp lại một sự tăng tốc với tỷ trọng lớn như thế. Về số lượng có thể hơn nhưng về tỷ trọng, tỷ lệ tăng trưởng thì đó là kỳ tích. Để có được kết quả đó - theo tôi - nó hội tụ bởi rất nhiều yếu tố. Trước hết là do tài nguyên du lịch của chúng ta vô cùng phong phú, đặc sắc, khác biệt và chúng ta đã từng bước khai thác, phát huy được. Đó là sự trội vượt và ưu thế của chúng ta so với nhiều nước.
Thứ hai, kết quả đó không phải tự nhiên mà có, nó là sự tích tụ của cả quá trình tích lũy rất nhiều năm với sự đóng góp của rất nhiều thế hệ. Nếu không có sự chuẩn bị, không có giai đoạn khó khăn chúng ta đã vượt qua từ những năm trước (những năm 2000 - 2010, 2010 - 2015) thì chúng ta không có được sự đột phá của năm 2018.
Thứ ba, đó là thời kỳ nhận thức trên cả tầm vĩ mô và quản lý ngành đã có những thay đổi hết sức quan trọng, tôi cho rằng đây là điều đặc biệt. Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch là một trong ba lĩnh vực kinh tế trụ cột của đất nước cùng với nông nghiệp và công nghệ cao. Và từ nhận thức ấy, nghị quyết của Đại hội Đảng, nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa tư tưởng, chỉ đạo những nhận thức thành những chính sách và giải pháp cụ thể. Có thể nói rằng, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách về lĩnh vực du lịch là rất quyết liệt. Điều này thể hiện ở mấy dấu mốc quan trọng: Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham gia của ngành Du lịch cả nước và nhiều bộ, ngành. Hội nghị này được gọi là “Hội nghị diên hồng” của ngành Du lịch - là nơi thể hiện ý chí và khát vọng của đất nước để phát triển du lịch, thúc đẩy du lịch tăng tốc và phát triển tương xứng với tiềm năng, triển vọng của nó, đồng thời cũng là một hội nghị mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những chỉ đạo mang tính chất đột phá và rất quyết liệt.
Thủ tướng chỉ đạo, giao Bộ VHTTDL, TCDL chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trong tình hình mới và sau đó chúng ta có một khoảng thời gian hơn 1 năm để chuẩn bị. Có thể nói rằng, Nghị quyết 08 của Bộ Chính là một văn kiện quan trọng chưa từng có trong lịch sử của ngành Du lịch mà ở đó thể hiện những quan điểm và tư duy rất đột phá để tạo ra động lực thúc đẩy các ngành khác, huy động các nguồn lực để phát triển du lịch.
Thứ tư, yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là trong giai đoạn 2010 - 2018, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam tăng tốc cả về số lượng và chất lượng. Số lượng tăng lên rất nhiều, về chất lượng xuất hiện rất nhiều những nhà đầu tư chiến lược và họ có những tầm nhìn, sự sáng tạo để tạo ra hệ sinh thái sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đẳng cấp cao hơn hẳn so với trước đó. Nhờ đó mà chúng ta phát triển được cả về chiều sâu, chất lượng và số lượng; và năng lực tiếp nhận khách của chúng ta được cải thiện rất nhiều so với trước. Đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định.
Thứ năm là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực du lịch như: Giao thông, Ngoại giao, Công an, Tài chính và một số lĩnh vực khác; tính chủ động sáng tạo của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố là trọng đi���m du lịch.
Thứ sáu, là nỗ lực trong công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL, các bộ ngành liên quan của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, trong đó có đóng góp rất quan trọng của cán bộ công chức, viên chức cơ quan TCDL.
*Ông có thể nói rõ về công tác nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến… trong giai đoạn đó?
Về chuyên môn, chúng ta đã tập trung đa dạng hóa và phát triển sản phẩm du lịch, nhất là những sản phẩm du lịch chất lượng, chuyên biệt, tạo ra sự khác biệt và hấp dẫn, đặc biệt là du lịch biển đảo, văn hóa, sinh thái. Trước đây chúng ta cũng có những dòng sản phẩm chủ đạo như thế nhưng chất lượng và tính chuyên biệt chưa tạo được ở một tầm cao như giai đoạn nói trên. Thứ hai, chúng ta đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến, nghiên cứu thị trường. Việc xúc tiến vừa kết hợp được nguồn lực của các bộ ngành có liên quan (Hàng không, Thương mại…) vừa huy động cộng đồng từ các doanh nghiệp, tập trung vào thị trường trọng điểm, tiềm năng làm tăng số lượng lớn du khách. Thứ ba, chú trọng cả hai mảng khách quốc tế và khách nội địa. Có thể nói, đó là giai đoạnxúc tiến được cải thiện rất nhiều cùng với đó chúng ta tận dụng marketing điện tử, công nghệ mới để hoạt động xúc tiến rộng rãi hơn với chi phí không cao.
*Ông đánh giá thế nào về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân đối với ngành Du lịch Việt Nam?
Thế giới nhìn về Du lịch Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nhìn về Du lịch Việt Nam với một con mắt khác rất nhiều so với trước đây, chúng ta đã có vị thế thay đổi, hình ảnh và danh tiếng của Du lịch Việt Nam đã được cải thiện một cách cơ bản và mang tính chất đột phá bởi những yếu tố: (1) Sự tăng tốc của Du lịch Việt Nam được thế giới ghi nhận và được đánh giá nằm trong top 10 tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới suốt 4 năm liền (2015 - 2019). Đây là chỉ số quan trọng, phản ánh nội lực và sức bật của Du lịch Việt Nam. (2) Chúng ta có hệ sinh thái sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao và định vị được thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là ở vùng trọng điểm du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là những nơi mà trong thời gian vừa qua có bước đi đột phá mà chủ yếu được đầu tư bởi các doanh nghiệp tư nhân là những con sếu đầu đàn, là những nhà đầu tư chiến lược như: Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh… (3) Công tác xúc tiến của Du lịch Việt Nam đã từng bước chuyên nghiệp hơn, có hiệu quả hơn nên khách du lịch quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn, truyền thông và báo chí quốc tế cũng biết đến Việt Nam nhiều hơn. Ngoài ra còn nhiều yếu tốc khác như: lao động và kỹ năng nghề, công tác quản lý và các chính sách được ban hành…
*Hai dấu ấn nổi bật đối với ngành Du lịch thời gian qua là Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch 2017 sửa đổi được Quốc hội thông qua, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Trong giai đoạn 2014 - 2018, có 4 văn kiện quan trọng đối với ngành Du lịch: Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới được ban hành vào năm 2015; Nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch trong tình hình mới - đây là bước chuẩn bị cho Nghị quyết của Bộ Chính trị sau này; Luật Du lịch 2017 được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực năm 2018; Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Cho đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Luật Du lịch mới, có thể thấy rằng về cơ bản những nội dung của Luật Du lịch được cuộc sống chấp nhận và đã phát huy tốt vai trò bộ luật gốc của ngành kinh tế.
Về Nghị quyết 08-NQ/TW, đây là nghị quyết đề ra cho một giai đoạn dài, có thể ít nhất 1 thập kỷ cho nên việc đưa nghị quyết vào cuộc sống phải có những giai đoạn, bước đi phù hợp và cần thời gian. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, những tư tưởng của nghị quyết đã thổi vào một làn gió mới đối với nhận thức về du lịch của các cấp, các ngành, của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, đây là dấu mốc lịch sử rất quan trọng trên hành trình phát triển ngành Du lịch Việt Nam trong 60 năm qua và sau này cũng không dễ có một nghị quyết như thế. Đây là lần đầu tiên ngành Du lịch có nghị quyết của Bộ Chính trị, trước đó chỉ có chỉ thị hay văn kiện ở tầm vóc khác. Và cũng không có nhiều ngành kinh tế có được nghị quyết mang tính chất chuyên đề như vậy.
*Nhìn lại chặng đường 60 năm Du lịch Việt Nam với nhiều thành tựu, nhiều dấu ấn tự hào, tuy nhiên khó khăn thách thức ở phía trước còn nhiều, theo ông chúng ta cần khắc phục những vấn đề gì để Du lịch Việt Nam nhanh chóng cất cánh?
Chúng ta đã có một bước tiến rất quan trọng và đáng khích lệ, cơ hội phía trước còn rất lớn, rộng mở. Chắc chắn tương lai Việt Nam sẽ có một ngành Du lịch phát triển như nghị quyết của Bộ Chính trị đã xác định. Tuy nhiên, trên hành trình chinh phục mục tiêu và đỉnh cao như thế, chúng ta luôn luôn phải đối mặt với thách thức, đòi hỏi phải vượt qua. Thách thức đặt ra đối với chúng ta bây giờ là tầm nhìn và năng lực quản trị quốc gia về du lịch để làm sao có thể đưa được nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống như việc làm sao tập hợp được sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Sản phẩm du lịch được tạo nên bởi sự cung ứng của chuỗi đầu vào các giá trị do rất nhiều ngành, nhiều địa phương cung ứng, không phải chỉ riêng ngành Du lịch, nên muốn cải thiện được chất lượng thì chúng ta phải cải thiện được năng lực quản trị quốc gia cũng như hoạch định và tầm nhìn về phát triển du lịch, xác định xem nên tập trung vào những địa bàn nào, những sản phẩm du lịch nào để tạo nên sự khác biệt. Nhận thức về du lịch vẫn tiếp tục phải nâng cao và cải thiện, đặc biệt một số địa phương có tiềm năng du lịch phát triển phải có nhận thức và khả năng tổ chức chỉ đạo để phát triển du lịch trên thực tiễn. Kiểm soát chất lượng môi trường, an ninh an toàn cho điểm đến vẫn là vấn đề hết sức quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực bao gồm cả nhân lực quản lý, nhân lực quản trị ngành, nhân lực quản trị doanh nghiệp và nhân lực lao động nghề đều phải nâng cao…, đây là điểm yếu của chúng ta thời gian qua. Cuối cùng chúng ta phải tận dụng và phát huy được ưu thế của công nghệ số để quảng bá xúc tiến cũng như quản lý, quản trị ngành.
*Ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến thế hệ những người làm du lịch hôm nay?
Tôi nghĩ rằng du lịch là lĩnh vực kinh tế rất thú vị, ở đó hội tụ rất nhiều yếu tố, là ngành kinh tế tổng hợp, nó không giống như những ngành khác cho nên sự phong phú và đa dạng có thể tạo nên những cảm hứng cho bất kỳ ai nếu như có tình yêu với du lịch. Vì vậy, mỗi người làm du lịch hãy cố gắng làm việc với tâm huyết và trách nhiệm của mình để đóng góp vào sự phát triển của ngành. Ngành Du lịch tiếp tục phát huy những thành quả của giai đoạn trước và làm được những điều tốt đẹp hơn, cố gắng quan tâm giữ được kỷ cương, đoàn kết - nếu không có được những điều đó thì khó hoàn thành tốt nhiệm vụ…
*Xin cảm ơn ông!
Việt Hùng – Đức Xuyên (thực hiện)
Tạp chí Du lịch tháng 7/2020