Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2021 ngành VHTTDL triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng Bộ đã đổi mới quyết liệt sâu sát trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện và cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại hạn chế, trong lĩnh vực thể thao thiếu chiến lược đào tạo, huy động các nguồn đầu tư; du lịch phát triển chưa bền vững, công tác quảng bá xúc tiến chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng khai thác tài nguyên du lịch quá mức ảnh hưởng đến các di tích, môi trường...
"Chúng tôi đã định hướng vai trò của Bộ VHTTDL và xem lại điểm nghẽn của ngành. Trong đó phải thay đổi tư duy từ làm văn hoá sang quản lý văn hoá, từ tổ chức văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá. Tuy nhiên, để quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao, du lịch phải thông qua các công cụ về pháp luật để từ đó huy động các nguồn ngân sách", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đã đạt được của ngành VHTTDL. Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, thời gian qua ngành có những giải pháp phát triển văn hóa theo hướng đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý với tinh thần chủ động nghiêm túc và linh hoạt. Đồng thời, ông đánh giá cao việc Bộ VHTTDL đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong năm 2021, xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và giai đoạn 2021-2026.
Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và một số đề án của ngành nhằm khai thác phát huy những tiềm năng và giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam để các ngành văn hóa vừa là ngành văn hóa nghệ thuật vừa là ngành kinh tế đóng góp xứng đáng và phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
PV