*Thưa ông, ông đến với ngành Du lịch như thế nào?
Tôi bắt đầu làm việc trong ngành Du lịch từ năm 1992. Lúc đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký điều động bổ nhiệm tôi từ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch để triển khai Nghị định 05/CP - lập lại tổ chức của TCDL Việt Nam.
Lúc này có 2 đơn vị hoạt động du lịch là Vụ Du lịch thuộc Bộ Thương mại và Tổng Công ty Du lịch Việt Nam. Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao cho tôi quyền nghiên cứu, đề xuất tổ chức bộ máy, xây dựng Nghị định thành lập TCDL.
Khi nhận nhiệm vụ, việc đầu tiên là bắt tay tổ chức lại bộ máy TCDL trên cơ sở sáp nhập Tổng Công ty Du lịch Việt Nam và Cục chuyên gia.
*Thời điểm đó, lượng khách quốc tến đến Việt Nam ra sao, thưa ông?
Lúc đó đất nước bắt đầu chuyển mình đổi mới và hội nhập, tuy nhiên hoạt động du lịch vẫn chưa phát triển, khách quốc tế đến Việt Nam còn ít, cơ sở vật chất, nhất là các khách sạn tiêu chuẩn còn rất thiếu. Tôi nhớ sau khi Việt Nam tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế đầu tiên tại khu triển lãm Giảng Võ vào năm 1994, thì hình ảnh điểm đến Việt Nam được du khách quốc tế biết đến nhiều hơn. Năm 1995, lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số 1 triệu lượt.
Lĩnh vực du lịch mặc dù đã có sự quan tâm nhưng nhìn nhận về du lịch về cơ bản vẫn chưa thực sự cởi mở. Nhiều nguyên nhân khiến việc thu hút khách du lịch quốc tế lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, như điều kiện cơ sở vật chất; do liên quan đến an ninh quốc phòng, du khách quốc tế muốn tới các địa phương khác nhau trong cả nước thì phải có giấy phép (TCDL phải kiến nghị với Bộ Nội vụ bỏ giấy phép này). Tôi nhớ hồi đó khách quốc tế không được lên Tây Nguyên hoặc một số điểm khác mãi cho tới vài năm sau quy định này mới được bãi bỏ. Có một thời gian Việt Nam áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu đã thu hút rất đông khách quốc tế đến nhưng do lượng khách vào ồ ạt nên lại phải dừng lại…
*Ở cương vị “tư lệnh ngành” lúc đó, ông và cộng sự đã có tham mưu đề xuất gì để gỡ các “rào cản” nói trên, thúc đẩy Du lịch phát triển?
Để tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch. Tôi và các đồng nghiệp nghiên cứu, tham mưu đề xuất Chính phủ ra cơ chế chính sách phát triển du lịch và đề xuất này được chấp thuận với sự ra đời của Nghị quyết 45/CP ngày 22/6/1993 về đổi mới quản lý và phát triển ngành Du lịch. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ về phát triển ngành Du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, đổi mới tư duy quản lý, trong đó có mấyđiểm rất quan trọng: Một là, xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mục tiêu phát triển du lịch là du lịch văn hóa, môi trường, cảnh quan; động lực, cơ chế của du lịch là nhiều thành phần tham gia; khuyến khích liên doanh liên kết, đầu tư nước ngoài nhằm tạo các nguồn vốn để phát triển nhanh cơ sở lưu trú, buồng phòng khách sạn (khi đó cơ sở lưu trú rất thiếu, không có chỗ cho các đoàn khách nguyên thủ của Chính phủ mỗi khi sang công tác). Hai là, phát triển nhanh các điểm du lịch, các cơ sở tham quan, nghỉ dưỡng du lịch. Ba là, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa…
Trên cơ sở Nghị quyết như thế TCDL tập trung làm quy hoạch du lịch, TCDL giao cho Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch chủ trì. Khi đó, Thủ tướng không dưới 4 lần trực tiếp nghe báo cáo quy hoạch.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ và ấn tượng về những lần khảo sát các điểm du lịch, tôi đã đi khảo sát tất cả những điểm du lịch lúc bấy giờ.
Trên cơ sở đó Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch du lịch và lập ra 10 Sở Du lịch ở các địa bàn trọng điểm về du lịch như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ… sau đó tiếp tục thêm 4 Sở Du lịch. Thời gian tôi chuyển sang Bộ Nội vụ là đã có 14 Sở Du lịch. Như vậy, hình thành bộ máy của TCDL, hình thành cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương. Những tỉnh không có Sở Du lịch thì Sở Thương mại quản lý về du lịch.
*Theo ông, việc khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch cùng với việc “cởi trói” cho liên doanh, liên kết đã tạo động lực thúc đẩy du lịch như thế nào?
Đây là sự đột phá hết sức quan trọng về tư duy quản lý. Lúc đầu, việc liên doanh với nước ngoài rất khó khăn, chỉ các cơ sở du lịch nhà nước mới được liên doanh với nước ngoài. Khi đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phải tháo gỡ mấy điểm ở Hà Nội (Melia, Sofitel)… mới triển khai được.
Trước đó, Singapore muốn liên doanh với Du lịch Hà Nội để xây dựng một khách sạn cao cấp ở Phó Đức Chính (Hà Nội) nhưng không thành vì vướng nhiều vấn đề, cuối cùng phải để Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội liên doanh. Sau đó Chính phủ thống nhất đơn vị nào có cơ sở vật chất thì đứng ra làm chủ đầu tư liên doanh, lúc đó mới “thoát” được.
Rất nhiều rào cản và phải gỡ từng việc một. Có những việc theo chủ trương chung nhưng có cái áp dụng theo từng địa phương.
Bài học rút ra là huy động được nguồn lực tổng hợp mới tạo thành sức mạnh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Dân làm du lịch, địa phương làm du lịch, hình thành liên doanh, TCDL với vai trò quản lý nhà nước… Đến nay, nhìn lại mới thấy địa phương nào chủ động làm dự án gắn với quy hoạch là địa phương đó có sản phẩm du lịch rất tốt. Lĩnh vực đào tạo cũng vậy, không chỉ trường du lịch thuộc ngành mà các trường, các địa phương, các công ty mở trường đào tạo các lĩnh vực nghề thuộc du lịch, các lớp đào tạo mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nếu chỉ trông vào nhà nước sẽ không đáp ứng đủ. Đây cũng là một cơ chế mới chung cho các lĩnh vực ngành nghề khác đó là xây dựng phát triển kinh tế là dựa vào dân, sức dân, còn vai trò quản lý nhà nước cần ban hành các văn bản làm hành lang pháp lý để các hoạt động tuân thủ pháp luật.
*Ông cảm nhận ra sao về sự bứt phá của Du lịch Việt Nam ở thời điểm hiện tại?
Tôi công tác ở TCDL 4 năm, đến năm 1996 thì chuyển sang Bộ Nội vụ. Mặc dù đi nhiều nơi nhưng thời gian làm trong ngành Du lịch (mặc dù không dài) đã để lại nhiều dấu ấn trong tình cảm, trong công việc. Thâm tâm tôi cảm ơn rất nhiều sự quan tâm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với ngành Du lịch. Thủ tướng rất tâm huyết, trách nhiệm nên thường xuyên lắng nghe TCDL để tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi để ngành Du lịch phát triển. Lúc đó lãnh đạo nhiều địa phương đã có chuyển biến, đánh giá đúng mức ngành Du lịch để có những quan tâm chỉ đạo. Anh em trong ngành cũng rất tâm huyết, lo lắng về những khó khăn vướng mắc, đề xuất các biện pháp tháo gỡ.
Sau chặng đường xây dựng và phát triển, giờ đây có thể nói tự hào khẳng định rằng, Du lịch Việt Nam phát triển nhanh, bứt phá ấn tượng về cơ sở vật chất, hạ tầng; buồng phòng khách sạn tăng về cả số lượng và chất lượng; các điểm du lịch phong phú, đa dạng; đội ngũ làm du lịch trưởng thành; thương hiệu Du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới đã được xác lập… Tất nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những mặt tích cực khó tránh khỏi những mặt hạn chế, chẳng hạn như mấy năm gần đây du lịch phát triển quá nóng đặt ra rất nhiều vấn đề về chất lượng phải chú ý đến.
Hồi đó, chúng tôi có đưa ra khẩu hiệu và được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng tình, đó là “vừa xếp hàng vừa chạy”, vì chỉ xếp hàng không thì không biết đến bao giờ nhưng nếu chỉ chạy mà không xếp hàng thì lại thiếu trật tự, lộn xộn. Mở ra phải quản lý chứ không phải chờ quản lý rồi mới mở. Đến giai đoạn phát triển du lịch nhanh hiện nay càng phải chú ý đến vấn đề quản lý mới đảm bảo được chất lượng, thương hiệu.
*Xin cảm ơn ông!
Việt Hùng (thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2020