Ẩm thực biển - dấu ấn đặc thù
Quảng Bình có địa hình vô cùng thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Với hơn 100km đường bờ biển, cư dân ở đây đã có lịch sử gắn với biển từ lâu đời do nguồn lợi thủy, hải sản mà biển mang lại rất lớn. Từ các loại hải sản, qua bàn tay tinh tế của con người đã trở thành những món ăn độc đáo mang đặc trưng cho Quảng Bình như: muối mè rang với ruốc khô, cá thiều nấu măng chua, cá bống kho tiêu, cá thiều kho ớt, rồi rượu đẻn, ram đẻn...
Mùa đông đến, khi tiết trời se lạnh, một nồi lẩu cá khoai tuyệt hảo sẽ xua tan cái lạnh giá của mùa đông. Cá được làm sạch, bỏ đầu, ruột, cắt đôi, ướp cùng muối, ớt, bột ngọt và hành tươi. Nồi nước lẩu gồm cà chua, khế, nấm, chua me, măng chua, dưa cải… Tuy không quá phức tạp nhưng tùy tay nghề người chế biến mà món ăn có hương vị riêng.
Du khách đến Quảng Bình cũng thích thú với món cháo canh. Điểm đặc biệt của món ăn này là sợi bánh canh được làm thủ công nên khá to, mềm và dai; nước dùng được làm từ hải sản và xương, thịt heo ninh trong nhiều giờ nên rất ngọt, thơm và đậm đà hương vị biển hoặc sử dụng cua đồng, tôm, ghẹ… xay nhuyễn lọc lấy nước và chế biến. Bát cháo canh là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu, trong đó không thể thiếu cá. Các loại cá có nguồn gốc từ biển, sông, ruộng… Cá được luộc qua hoặc xào sơ rồi thả vào nồi cháo canh đang sôi sùng sục. Những lát hành, ngò thái mỏng sẽ được rắc đều lên mỗi tô cháo canh đang bốc hơi nghi ngút để vội bưng đến cho khách thưởng thức.
Đến với thị trấn Quán Hàu, du khách được thưởng thức những món ăn chế biến từ hàu - đặc sản của cư dân nơi đây. Hàu ở đây được thiên nhiên ban tặng với số lượng lớn, vị của hàu ngọt hơn, thịt hàu béo hơn rất nhiều so với nơi khác. Cháo hàu Quảng Bình được chế biến khá đơn giản, người ta nấu cháo gạo trước, gạo vừa bung nở còn nguyên hoa gạo, phần hàu tươi nguyên con mới đánh bắt được lấy thịt, rửa sạch ướp chút gia vị cho ngấm, khi ăn bỏ hàu đã ướp vào cháo vừa chín tới là thưởng thức ngay.
Nhiều món ăn khác cũng làm say đắm lòng người như: chép biển, ruốc tháng 6, mắm lẹp… đã tạo nên những món ăn dân dã, gần gũi, hấp dẫn du khách thập phương khi đến Quảng Bình.
Giải pháp xây dựng thương hiệu ẩm thực biển Quảng Bình
Để ẩm thực Quảng Bình ngày càng phát huy hơn nữa vai trò thu hút khách du lịch, cần đẩy mạnh việc tổ chức, tham gia các sự kiện quảng bá ẩm thực trong và ngoài nước, các cuộc thi chế biến món ăn, lễ hội ẩm thực; xây dựng các tiêu chí định hướng, bình chọn thương hiệu ẩm thực; có những giải pháp quy hoạch cụ thể, đồng bộ và chặt chẽ trong việc quản lý, nâng cao số lượng và chất lượng các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn; chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực ẩm thực; huy động các nguồn lực xã hội để phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực đặc thù của tỉnh; tiến hành quy hoạch những khu ẩm thực đường phố chuyên phục vụ du khách…
Cư dân ven biển Quảng Bình đã có quá trình tương tác lâu dài với biển trong quá trình chiếm lĩnh và làm chủ biển cả. Các nguồn lợi từ biển đã được tận dụng, các bất lợi từ biển đã được ứng phó hợp lý. Chính việc ứng xử với biển đã hình thành nên những giá trị văn hóa đặc sắc của cư dân ven biển, trong đó phải kể đến nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực biển. Việc khai thác và sử dụng hiệu quả sản phẩm ẩm thực biển góp phần không nhỏ trong khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho cư dân địa phương và quảng bá ẩm thực dân dã Quảng Bình đến với du khách, góp phần hướng tới phát triển du lịch bền vững vùng ven biển Quảng Bình.
Tài liệu tham khảo
1. Văn Lợi (chủ biên) - Nguyễn Tú (2001), Địa chí văn hóa Miền biển Quảng Bình, NXB Văn hóa - Thông tin Hà Nội, Hà Nội
2. Dương Văn An, (Nguyễn Khắc Thuần -Dịch, hiệu đính và chú giải), Ô Châu cận lục, NXB Giáo dục Việt Nam
3. Ngô Đức Thịnh (2000), Văn hóa dân gian cư dân ven biển, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội
4. Nguyễn Hữu Duy Viễn (2015), Văn hóa ứng xử với biển của cư dân ven biển Quảng Bình, Hội thảo Văn hóa Biển đảo - Nguồn lực phát triển bền vững - NXB Lao động
|
Trần Phương Thúy