PGS TS. Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (NEU) cho biết, du lịch phát triển đang đem tới nhũng vấn đề mới cho kinh tế, xã hội và giới nghiên cứu. Hội thảo Du lịch mới – sáng kiến từ địa phương tới quốc tế nhằm thảo luận về các vấn đề và sáng kiến mới trong phát triển du lịch, từ phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm tới các vấn đề phát triển sản phẩm du lịch mới, ứng dụng công nghệ mới trong du lịch. Hội thảo được chia thành 2 phiên chính với các chủ đề gồm Du lịch bền vững - có trách nhiệm và Sáng kiến kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đó là du lịch có trách nhiệm theo hướng bền vững, thúc đẩy sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch. Từ góc độ quản lý du lịch tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh đề cao công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch trách nhiệm tại địa phương nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững. Du lịch Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình đầu tư, bảo tồn và khai thác phát triển du lịch nhằm hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Người dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, sạch đẹp.
Trình bày tại hội thảo, bà Catherine Germier-Hamel – Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành Tổ chức Điểm đến Thiên niên kỷ đề cao tính bền vững và trách nhiệm trong du lịch, theo đó du lịch bền vững phải được định nghĩa như một tầm nhìn chiến lược, một hình mẫu kinh doanh hoặc một phong cách sống. Ngoài ra, marketing có trách nhiệm cần nhắm đến đối tượng du lịch có trách nhiệm, tập trung và thị phần khách quan tâm và chi trả nhiều hơn cho du lịch bền vững. Đồng tình với quan điểm này, bài trình bày của PGS TS. Phạm Trương Hoàng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh du lịch trách nhiệm thông qua việc quy địnhh cho du lịch trách nhiệm ở cấp quốc gia và cấp địa phương, nâng cao thái độ du lịch trách nhiệm của doanh nghiệp, tăng cường thông tin về du lịch trách nhiệm và khuyến khích các sáng kiến du lịch trách nhiệm.
Tại hội thảo, các nhà khoa học trong nước và thế giới đã trao đổi và đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch theo xu thế phát triển của thế giới. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, với công nghệ kỹ thuật số, các công cụ có thể biến đổi cách con người đi du lịch theo hướng giảm gánh nặng sinh thái của du lịch. Một số nghiên cứu thảo luận về những cải tiến trong ngành khách sạn, đề xuất giải pháp giúp các nhà kinh doanh khách sạn ứng dụng để thu hút thêm khách hàng qua kênh bán hàng trực tuyến hay ứng dụng di động... Bên cạnh đó, các học giả cũng đưa ra các nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch tại các địa phương và các quốc gia khác, như: du lịch đô thị, du lịch thám hiểm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; đề xuất các giải pháp tăng sức hấp dẫn tài nguyên văn hóa, tự nhiên tại các điểm đến để thu hút khách cũng như kéo du khách trở lại.
HN