Du lịch biển, đảo góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền
Việt Nam sở hữu trên 3.260km đường bờ biển dọc Bắc – Trung – Nam, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển (gấp 3 lần diện tích đất liền), gần 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khoảng 125 bãi biển thuận lợi để khai thác du lịch trong đó có những bãi biển, vịnh biển được du khách cả thế giới biết đến như: vịnh Hạ Long, bãi biển Đà Nẵng, bãi biển Nha Trang… Có thể nói, Việt Nam đang có hệ thống tài nguyên du lịch biển, đảo vô cùng phong phú để phát triển mạnh kinh tế du lịch và đây được xem là 1 trong 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Bởi vậy, đầu tư mạnh mẽ cho phát triển kinh tế du lịch biển, đảo là một hướng đi đúng đắn, tạo nền tảng và cơ hội cho Việt Nam từng bước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đi đôi với việc thực hiện các nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và các đảo, quần đảo. Vai trò đó được thể hiện trên một số nội dung sau:
Một là, phát triển kinh tế du lịch biển, đảo góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng hiện đại, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Theo thống kê, trong những năm vừa qua, kinh tế du lịch biển, đảo đóng góp khá quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chiếm gần 70% tổng thu từ du lịch của cả nước, 17 - 20% trong các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển, dịch vụ cảng biển), du lịch... Tốc độ tăng trưởng về thu nhập từ du lịch trong vòng 15 năm trở lại đây giữ mức tăng trưởng hơn 24%/năm.
Hai là, kinh tế du lịch biển, đảo phát triển góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn nguồn lao động du lịch trên cả nước, đặc biệt mang lại việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động tại chỗ là dân cư vùng biển, trên các đảo vốn còn nhiều khó khăn. Đội ngũ lao động du lịch vùng ven biển hiện chiếm khoảng 75% tổng số lao động du lịch trực tiếp của cả nước; trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghiệp vụ ở các trường du lịch hay các khóa đào tạo tại chỗ đạt 75%, tỷ lệ đạt trình độ đại học và trên đại học chiếm khoảng 7,5%. Bên cạnh đó, sự phát triển của kinh tế du lịch biển, đảo đã tạo việc làm cho khoảng 60.000 lao động gián tiếp là cư dân địa phương ở những vùng ven biển có phát triển du lịch.
Ba là, phát triển kinh tế du lịch biển, đảo kéo theo sự phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tạo điều kiện để phối hợp xây dựng thế trận quốc phòng vùng ven biển và trên các đảo, quần đảo.
Bốn là, phát triển kinh tế du lịch biển, đảo có hiệu quả sẽ thu hút được nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch biển, đảo, cơ sở lưu trú, các trung tâm thương mại và dịch vụ khác để tìm kiếm lợi ích ở những khu, điểm du lịch ngày càng tăng lên, tạo thế đan cài lợi ích, tăng thêm sự phụ thuộc và tác động lẫn nhau, cùng nhau khai thác, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định chính trị nói chung. Sự hiện diện của khách du lịch nội địa và quốc tế ở các khu, điểm du lịch biển, đảo cũng góp phần hợp pháp hóa quyền lợi về mặt lãnh thổ, khẳng định chủ quyền biển, đảo. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những khu vực đang có sự tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay.
Năm là, việc đầu tư, khai thác phát triển kinh tế du lịch biển, đảo cũng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo, cộng đồng dân cư địa phương, nhà đầu tư trong việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước và nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái… Điều đó cũng tạo ra được tuyến phòng ngự tự nhiên rất có giá trị về mặt quốc phòng, an ninh; hình thành hệ thống phân luồng giao thông thủy quan trọng, đáp ứng khả năng cơ động nhanh của các lực lượng, là “tuyến phòng ngự từ xa” bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Sáu là, phát triển kinh tế du lịch biển, đảo là cơ hội để thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, nâng cao vị thế của chúng ta với thế giới, đây là tiền đề quan trọng để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo…
Kiến nghị một số giải pháp
Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013 đã xác định đầu tư phát triển trọng điểm một số khu, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch vùng ven biển đóng vai trò động lực đối với phát triển Du lịch Việt Nam; trong đó từng bước hình thành và đưa vào khai thác ít nhất 6 khu du lịch biển tầm cỡ quốc tế, có sức cạnh tranh cao vào năm 2020 (Hạ Long – Bái Tử Long - Cát Bà, Lăng Cô - Cảnh Dương, Hội An - Cù Lao Chàm, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc); 5 cảng du lịch (Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Phú Quốc). Về sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù (du lịch tham quan Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long gắn với các di tích lịch sử, văn hóa ở khu vực Bắc Bộ; du lịch tham quan, nghiên cứu các di sản văn hóa thế giới gắn với nghỉ dưỡng, thể thao biển ở khu vực Bắc Trung Bộ; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao biển kết hợp tham quan vũng, vịnh ở Nam Trung Bộ; du lịch sinh thái, tham quan cảnh sông nước ở khu vực Nam Bộ); hình thành các tuyến du lịch biển và du lịch tàu biển kết nối với các đảo và bãi biển Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Hoàng Sa, Hòn Tre, Hòn Tằm, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… Với phương châm gắn phát triển kinh tế du lịch biển, đảo với quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền chúng ta cần quan tâm thực hiện một số yêu cầu sau:
Quán triệt nguyên tắc phát triển kinh tế du lịch biển, đảo gắn bó chặt chẽ với quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền. Cần có chương trình nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, phát triển kinh tế du lịch biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền quốc gia. Gắn phát triển kinh tế du lịch biển, đảo với bảo đảm quốc phòng - an ninh trong các chiến lược, chương trình, đề án phát triển kinh tế du lịch biển, đảo. Việc lực chọn xây dựng, khai thác các khu, điểm, tuyến du lịch biển, đảo cần bảo đảm không ảnh hưởng đến thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn.
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan trong phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch biển, đảo; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế du lịch biển, đảo thống nhất với công tác điều tra, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và bố trí thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng “lưỡng dụng” không chỉ sử dụng cho phát triển kinh tế du lịch mà còn sử dụng cho mục đích quốc phòng - an ninh của đất nước. Phát triển sản phẩm du lịch theo phong cách mới bắt đúng tín hiệu thị trường đồng thời gắn chặt với yếu tố truyền thống và văn hóa các miền biển, ưu tiên và hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch biển hướng ra biển Đông, đặc biệt là dự án phát triển du lịch tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch biển, đảo. Trong đó tập trung vào các chính sách ưu tiên hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nhân lực và xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch; ưu tiên đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch; các khu, tuyến, điểm du lịch thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển du lịch.
Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong phát triển kinh tế du lịch biển, đảo. Thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kinh tế du lịch biển, đảo.
Như vậy, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong thu hút, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch biển, đảo chất lượng cao “phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” như “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định”٪
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013), Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” kèm theo Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2013, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
3. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Hà Nội.
ThS. Nguyễn Tuấn Dũng
(Tạp chí Du lịch)