Những bản làng người dân tộc vùng cao Quảng Nam luôn là điểm lý tưởng để những easy rider chở khách đi phượt - Ảnh: Lê Trung
Vừa trở về sau chuyến chở khách nước ngoài đi phượt từ Hội An đến TP Đà Lạt năm ngày trên các cung đường ở đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, ông Đỗ Văn Thống (50 tuổi, phường Tân An, TP Hội An), một easy rider lão luyện với hơn 13 năm trong nghề, cho biết: “Mỗi lần chở khách Tây balô đi phượt mình khám phá được nhiều nơi, phong tục tập quán của quê hương”.
Vừa được đi du lịch khám phá vừa được tiền
Từng là một nông dân rồi hành nghề lái xe ôm ở phố cổ Hội An bôn ba kiếm sống, được khách Tây balô đặt vấn đề chở đi phượt nhiều ngày ở các vùng cao trong tỉnh và Tây nguyên, ông Thống bắt đầu chở khách Tây đi phượt bằng chiếc xe Minsk cọc cạch từ năm 2003.
“Mới đầu mình e ngại vì đường sá trên núi hồi xưa còn tệ lắm. Nhiều nơi đường đất bùn lầy lội, sạt lở núi chia cắt đường, chở họ đi mà cứ thót tim. Riết rồi thành quen, giờ đi đâu tui cũng dám” - ông Thống kể.
Ông Thống thường chở khách phượt ở những vùng cao dân tộc Cơ Tu phía tây Quảng Nam hay Ba Na, Xê Đăng ở Tây nguyên.
“Lúc trước chỉ cần dựng xe ngồi uống cà phê ở các ngã ba, công viên, nhiều khách nước ngoài muốn đi phượt thì tới liên hệ, thỏa thuận giá cả bằng miệng rồi đi luôn mấy ngày, có khi tui chẳng kịp về nhà lấy quần áo. Nhưng nay mình làm nghề chuyên nghiệp hơn bằng cách lập trang web để khách dễ dàng liên hệ” - ông Thống cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Hội An hiện nay có hàng trăm easy rider với đủ thành phần và lứa tuổi, từ trung niên đến thanh niên. Nhiều người thừa nhận nghề này vất vả, phải thường xuyên vào rừng nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Đặc biệt, một số người còn lập website để phục vụ du khách nhanh chóng. Khi có nhu cầu về dịch vụ easy rider ở Hội An, khách chỉ cần vào các trang web chuyên về dịch vụ này để liên hệ và đặt lịch.
Ngoài ông Thống, giới trong nghề còn biết đến easy rider Mr. Sơn, tên thật là Nguyễn Hồng Sơn (51 tuổi, phường Cửa Đại, TP Hội An), với kinh nghiệm làm easy rider hơn bảy năm.
Trước khi trở thành một trong những easy rider ăn khách bậc nhất Hội An, ông Sơn làm ở Nông trường chè Quyết Thắng (huyện Đông Giang, Quảng Nam) đến năm 1990.
Trong thời gian về quê phụ vợ làm nông nuôi con, ông Sơn cũng làm thêm “nghề tay trái” là chạy xe ôm kiếm sống vào những lúc nông nhàn, trước khi cùng với một số nông dân trong thôn quyết định mở dịch vụ này để phục vụ khách kiếm tiền cách nay bảy năm.
Đội easy rider của ông Sơn hiện có hơn năm thành viên cũng trạc tuổi ông. Khi có khách đến liên hệ, ông Sơn và các thành viên trong nhóm lập tức tập hợp để phục vụ khách.
Ông cũng sắm cho nhóm những chiếc môtô phân khối lớn và lập website riêng để khách truy cập, đặt lịch dễ dàng.
Theo ông Sơn, easy rider là hình thức du lịch mạo hiểm, chỉ ai có nhu cầu muốn trải nghiệm mới tham gia, giá cả theo thỏa thuận.
“Giá cả một chuyến phượt như vậy tùy theo quãng đường, vùng miền. Chẳng hạn như tui chở khách đi các vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam), giá 50 USD/chuyến là rẻ nhất” - ông Sơn cho biết.
Easy rider Đỗ Văn Thống chuẩn bị chở khách đi phượt - Ảnh: Lê Trung
Cầu nối văn hóa, du lịch
Một lần tác nghiệp ở vùng cao huyện Phước Sơn (Quảng Nam), chúng tôi gặp hai easy rider Nguyễn Thanh Tuấn (43 tuổi) và Phan Quang Nhân (50 tuổi, cùng ở Hội An) chở khách đi phượt ở những bản làng người Giẻ Triêng, M'Nông.
Ngồi nghỉ mệt sau quãng đường hơn 100km, anh Tuấn cho biết đến bản làng nào đẹp, thú vị khách đều muốn dừng lại để chụp ảnh, vui chơi. “Mình chỉ việc chở họ đi, giới thiệu cho họ biết thôi” - anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, ngoài sức khỏe tốt và tiếng Anh giao tiếp tốt, điều quan trọng nhất để trở thành một easy rider giỏi là phải thông thạo những địa danh, nắm rõ phong tục, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa phương mình và những vùng đất khác để giới thiệu cho du khách như những hướng dẫn viên du lịch thực thụ.
Chị Vanessa (du khách Anh) chia sẻ: “Chúng tôi khá thú vị với cảnh đẹp vùng cao, những bản làng xa xôi ở đất nước các bạn. Đi cùng với những easy rider vui tính, nhiệt tình và thân thiện, nghe họ kể nhiều câu chuyện lịch sử về vùng đất, con người ở các nơi mình đến thì còn gì bằng”.
Ông Sơn cũng cho biết nghề easy rider đòi hỏi phải nhanh nhạy, năng động lên mạng tìm kiếm, lĩnh hội nhiều thông tin lễ hội, bản sắc văn hóa các vùng miền. Chẳng hạn như có lúc khách chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc dùng tấm bạt đựng lúa đặt dưới suối để cúng thần Nước sau gặt lúa xong nên rất ngạc nhiên. Easy rider phải biết tìm hiểu trước về phong tục này để giải thích cho du khách.
“Khách nước ngoài đi đến các vùng cao, vào những bản làng, mỗi khi thấy có gì lạ là hỏi, mình phải biết để trả lời họ bằng tiếng nước ngoài. Từ chuyện cúng thần Nước sau khi gặt đến lễ hội đâm trâu của người Cơ Tu, Xê Đăng..., các easy rider phải am hiểu để giải thích cặn kẽ cho du khách.
Có như vậy du khách mới cảm thấy thú vị khi sử dụng dịch vụ của mình” - ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, dù là hình thức du lịch mạo hiểm nhưng khi đã thỏa thuận đưa khách đi khám phá, các easy rider cũng phải có trách nhiệm với sự an toàn của khách, không thể chạy môtô ẩu được.
Theo ông Thống, nhiều tour dịch vụ easy rider của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng đang phát triển mạnh ở Hội An, nhưng ông và những đồng nghiệp có lợi thế hơn vì là người địa phương, tiếp cận am hiểu nhiều vùng đất, con người, bản sắc văn hóa nên chuyến đi phượt của ông làm khách thấy rất thích thú.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hai - phó giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam - cho biết báo cáo du lịch miền núi của các địa phương cho thấy việc chở khách nước ngoài đi phượt ở vùng cao của các easy rider cũng góp phần tăng nguồn thu từ du lịch, thu nhập cho người dân.
Nhiều địa phương bắt đầu quan tâm đến phát triển loại hình du lịch trải nghiệm miền núi này. “Các easy rider chính là những mắt xích quan trọng trong việc kết nối du khách với du lịch địa phương, đặc biệt là vùng cao, dân tộc thiểu số, kích thích du lịch miền núi phát triển” -
ông Hai đánh giá.
Lê Trung
Nguồn: tuoitre.vn