Hàng không là ngành vận tải có tầm quan trọng đặc biệt của mỗi quốc gia. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%. Ở Việt Nam giai đoạn 2010-2019, ngành hàng không tăng trưởng trên 15%/năm, được đánh giá là thị trường phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiện, đại dịch COVID-19 khiến hoạt động ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, dừng khai thác hoàn toàn hoạt động khai thác thị trường quốc tế, thị trường nội địa cũng suy giảm nghiêm trọng. Năm 2022, ngành hàng không ghi nhận những dấu hiệu phục hồi nhờ việc tiêm vác xin rộng rãi, nền kinh tế chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt. Dù vậy, việc phục hồi vẫn đan xen nhiều thách thức.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc thúc đẩy phục hồi ngành hàng không trong bối cảnh mới. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh mới, hàng không bên cạnh quan tâm vấn đề giải trí, mua sắm cho du khách, cần quan tâm giá vé, thương hiệu của hãng. Chính phủ đã có những cải cách tốt, tạo thuận lợi trong đầu tư, do vậy cần tạo điều kiện phát triển mạnh hơn nữa cho ngành hàng không. Chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng cần tận dụng thời cơ để phụ hồi, chuẩn bị tâm thế để bứt phá. “Giải pháp ngắn hạn là thúc đẩy thị trường trong nước sôi động lại; tháo gỡ vướng mắc từ các chính sách, hỗ trợ chứng khoán doanh nghiệp, mở rộng giải pháp thị thực để mở cửa quốc tế. Dài hơi hơn thì cần có chiến lược cho ngành hàng không, phát huy vai trò của tư nhân trong xây dựng hạ tầng hàng không, sân bay gắn với du lịch. Thời điểm quan trọng, tính bất thường của cuộc đua đòi hỏi những giải pháp khác biệt chúng ta mới tận dụng được thời cơ, bứt phá được” – ông Trần Đình Thiên chia sẻ.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng chia sẻ những khó khăn cũng như lợi thế của ngành hàng không sau đại dịch COVID-19. Theo ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không - Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không đang gặp khó khăn do thị trường quốc tế hồi phục chậm, nhân lực ngành hàng không bị xáo trộn do tái cơ cấu, giá nhiên liệu tăng, xung đột quân sự Nga – Ukraine... Dù vậy, vẫn có nhiều yếu tố có lợi như sức cầu lớn sau ảnh hưởng dịch, các quy định phòng, chống dịch đã được đơn giản hóa, thị trường hàng hóa phát triển, hoàn thành đường băng sân bay Tân Sơn Nhất... Ông Bùi Minh Đăng cũng đề xuất rà soát, điều chỉnh các chính sách vận tải hàng không; tăng cường ứng dụng khoa học; nâng cao hiệu quả quản lý giờ cất – hạ cánh, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng...
Kết luận Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn đã nhấn mạnh vai trò của hàng không Việt Nam trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua ngành hàng không, xây dựng thương hiệu, hình ảnh, vị thế, thể hiện trình độ phát triển đất nước, phản ánh tiềm lực kinh tế dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm các chuỗi cung ứng, việc làm, cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng miền... PGS.TS. Đoàn Minh Huấn đồng thời khẳng định cơ hội phục hồi của hàng không Việt Nam trên cơ sở phân tích tín hiệu mới của thị trường: “Bên cạnh những thách thức, còn có các cơ hội, vấn đề là hàng không Việt Nam có tận dụng được cơ hội này để phục hồi cùng hàng không quốc tế không. Đặc biệt là cơ hội mở cửa, dồn nén nhu cầu công vụ và du lịch sau dịch, dịch chuyển nguồn cung ứng; các xu hướng quản trị mới, ứng dụng công nghệ, sử dụng nhiên liêu sạch...”.
Thông qua ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn đề xuất nhận thức rõ vị trí của hàng không trong phát triển du lịch cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế; hình thành hệ sinh thái phát triển ngành hàng không để tương tác, cộng sinh với các ngành khác; mở cửa mạnh mẽ, xây dựng thể chế, tạo cơ hội công bằng tiếp cận nguồn lực cho hàng không. Bên cạnh đó, PGS.TS Đoàn Minh Huấn cũng đề xuất ngành hàng không chủ động thực hiện các hoạt động, giải pháp hồi phục.
Gia Khôi