Những trầm tích văn hóa đặc sắc chùa Vĩnh Nghiêm
Căn cứ vào thư tịch cổ, nguồn di sản Hán Nôm hiện lưu giữ tại chùa cho biết, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng thời Lý (thế kỷ 11), có tên gọi là chùa Chúc Thánh; đến thời Trần (thế kỷ 13 - 14) được mở mang, tôn tạo và đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm: “Vĩnh Nghiêm không chỉ là ngôi chùa mà còn là một danh lam xây dựng giữa một khu cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng, điệp điệp vây quanh thành hình cái nong. Chùa ở chỗ hai, ba con sông, sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Đây là một danh lam đứng đầu thiên hạ”. Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được nhân dân tôn vinh là một trong những trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo Nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó và cũng là mô hình giáo hội Phật giáo cho các tổ chức giáo hội sau này.
Chùa Vĩnh Nghiêm là một đại danh lam cổ tự, một thiền viện - trung tâm đào tạo tăng đồ trong suốt thời gian hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa được Phật hoàng Trần Nhân Tông mở mang xây dựng thành chốn tùng lâm. Trải gần một thiên niên kỷ với nhiều lần trùng tu, tôn tạo công trình kiến trúc hiện nay là sản phẩm của hai triều đại: Lê Trung Hưng và triều Nguyễn. Để đáp ứng nhu cầu thờ Phật và nơi đào tạo tăng đồ trong cả nước, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô lớn. Các cụm kiến trúc chính được sắp xếp trong một không gian hình chữ nhật, dàn trải theo một trục dọc theo trật tự từ hướng Nam đến hướng Bắc thành năm tổ hợp kiến trúc chính: tam quan, tam bảo, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà Tổ đệ nhị. Trong đó, tòa Tam bảo là công trình lớn nhất và đẹp nhất trong tổ hợp kiến trúc của chùa Vĩnh Nghiêm.
Ngoài những nét kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ góc độ mỹ thuật truyền thống như một tác phẩm mỹ thuật đồ họa khắc gỗ độc lập, chứ không chỉ bình thường như một bản san khắc chữ khô khan theo cách thức thủ công. Với các giá trị tiêu biểu trên nhiều phương diện, ngày 16/5/2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 9/9/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh gắn với chùa Vĩnh Nghiêm
Trí Yên là một xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Yên Dũng, được biết đến là một vùng đất cổ. Nơi đây có sông Lục Nam và sông Thương chảy qua, hằng năm cung cấp nhiều phù sa màu mỡ, vì vậy ngay từ thời xa xưa con người đã tụ cư sinh sống tạo nên vùng quê trù phú. Trí Yên có thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài chùa Vĩnh Nghiêm, Trí Yên còn là địa phương có nhiều di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, kết cấu thành những cụm di tích - lễ hội - danh thắng. Trong những năm qua, xã Trí Yên đã phối hợp với các cơ quan của huyện Yên Dũng và tỉnh Bắc Giang quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo và mở rộng các cụm di tích văn hóa, chú trọng phát triển du lịch tâm linh nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, tham quan, chiêm bái, lễ Phật của du khách thập phương. Đến nay, hoạt động du lịch tại Trí Yên đã có những bước đầu phát triển tốt, đã khai thác tour văn hóa tâm linh từ chùa Vĩnh Nghiêm đến các điểm du lịch văn hóa, lịch sử tiêu biểu. Ngoài ra, tour tâm linh dọc dòng sông Lục Nam tới Lục Đầu Giang đang được xây dựng: bắt đầu từ thượng nguồn sông Lục Nam, tại thị trấn An Châu, từ đền thờ Vi Đức Lục, xuôi xuống ngã ba Phượng Nhãn có đền thờ vua Trần Minh Tông, tiếp theo là chùa Vĩnh Nghiêm. Ngược sông một đoạn, du khách gặp quần thể di tích đền Kiếp Bạc tại chân núi Côn Sơn của thị xã Chí Linh (Hải Dương)… Trong thời gian tới, khi tour này được triển khai rộng rãi, chắc chắn sẽ thu hút nhiều khách du lịch.
Trên phạm vi toàn huyện Yên Dũng có gần 300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hơn 70 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Kem, đền Đà Hy, đền Thanh Nhàn… Với phương châm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian qua đã có nhiều dự án, công trình di tích lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển du lịch đã và đang được đầu tư khai thác trên địa bàn. Huyện Yên Dũng đã đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy, đầu tư khai thác giá trị các di tích phục vụ nhân dân và du khách thập phương; dành nguồn vốn cho mở rộng khuôn viên, xây dựng nhà bảo quản, trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, xây dựng Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, phục dựng các lễ hội truyền thống, hoàn thiện hệ thống giao thông, đồng thời kết hợp kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sinh thái, sân golf 36 lỗ với diện tích hơn 100ha, trung tâm vui chơi, giải trí… Ngoài ra, huyện Yên Dũng cũng đã tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá, phát triển du lịch địa phương, tiêu biểu như Lễ đón nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu kí ức khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Bảo tàng tỉnh Bắc Giang (2008), Di sản văn hóa Bắc Giang - Văn học dân gian, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang.
2. Thích Phước Sơn dịch và chú (1996), Tam Tổ Thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hà Nội.
3. Hà Văn Tấn (1992), Chùa Việt Nam, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
4. Ngô Văn Trụ (2006), Chốn tổ Vĩnh Nghiêm, Bảo tàng Bắc Giang, Bắc Giang.
5. Viện Triết học (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
PGS.TS. Lê Văn Tấn
TS. Nguyễn Thị Hưởng
ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4 /2022)