Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum) – VOBF chủ đề “Thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch” đã thu hút hơn 1.000 người tham dự. Bên cạnh các thông tin về những chỉ số mới nhất của thị trường thương mại điện tử Việt Nam và thế giới, những xu hướng nổi bật, những thay đổi hành vi của người tiêu dùng tác động đến chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp, Diễn đàn cũng đã tập trung đưa ra các giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng lớn và ứng dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.
Dựa trên tinh thần cấp thiết, kịp thời, diễn đàn được đánh giá là thực tế và hữu ích với các mô hình hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có góc nhìn chuyên sâu và đa chiều để điều chỉnh chiến lược kinh doanh trên thương mại điện tử, kịp thời cập nhật những xu hướng hiệu quả, đặc biệt là giải pháp chuyển đổi thông qua những nội dung chia sẻ, gợi ý từ các phiên toạ đàm của VOBF 2022.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, sau đại dịch, môi trường kinh doanh thay đổi, thói quen và xu hướng người tiêu dùng đã có sự thay đổi, công nghệ đã có những chuyển biến đáng kể. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thay đổi để đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung. Theo đó, sự kiện năm nay tập trung gồm bốn phiên thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng đột phá sau đại dịch.
Trong phiên mở đầu diễn đàn các chuyên gia đã chia sẻ về “Tín hiệu phục hồi toàn cầu”. Cụ thể, các chuyên gia đã đưa ra những báo cáo và phân tích sâu sắc về thị trường thương mại điện tử năm 2021, dự đoán xu hướng nổi bật năm 2022 cũng như những gợi ý để tăng trưởng sau đại dịch.
Kế tiếp, phiên thứ hai với nội dung chính “Kết nối toàn cầu trở lại” các diễn giả đã trao đổi về chiến lược thương mại điện tử để phát triển doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phiên thứ 2 chia sẻ về cơ hội đẩy mạnh kinh doanh hàng hiệu tại thị trường Đông Nam Á cũng như chiến lược phục hồi cho du lịch và nền tảng giải trí kết hợp mua sắm TikTok shop.
Với chủ đề “Lực đẩy”, nội dung thảo luận của phiên thứ ba xoay quanh giải pháp giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng và tăng trưởng doanh thu bền vững. Đặc biệt là những công nghệ thúc đẩy tăng trưởng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó, các đại biểu, khách mời đến tham dự được lắng nghe về hành trình cán mốc 2 triệu người dùng trong 18 tháng của một nền tảng đầu tư được xây dựng và phát triển bởi người Việt.
Sau cùng, phiên thứ tư với nội dung “Công nghệ tương lai của thương mại điện tử” trao đổi về những cơ hội, thách thức Blockchain Việt Nam trong năm 2022. Cũng như những lợi thế khác biệt từ việc ứng dụng Blockchain trong ngành thương mại điện tử.
Chia sẻ thêm về xu hướng của thương mại điện tử trong những năm tới, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) - ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, thương mại điện tử là biện pháp tiếp cận kinh tế - xã hội, đã minh chứng trong thời gian vừa qua, nhất là trong dịp giãn cách xã hội vì COVID-19 giúp cho giao thương thuận lợi hơn.
Song hành với kênh truyền thống, thương mại điện tử đã khẳng định là kênh chủ đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. VECOM đã kết hợp với các địa phương để phát triển, ứng dụng thương mại điện tử vào các ngành hàng để lan tỏa, từ giao hàng, mua sắm, đến giáo dục từ xa. Chắc chắn thời gian tới, nhận thức, cũng như thói quen sẽ thay đổi.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết thêm, tiêu dùng xanh là xu hướng tiêu dùng thông thái với việc các doanh nghiệp làm ra các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và người tiêu dùng tích cực hưởng ứng. Khi đó sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phát triển.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Giám đốc Đối ngoại Lazada Vũ Thị Minh Tú cho biết thêm, cần phải nói rằng, thời kỳ đầu của thương mại điện tử, người tiêu dùng khi lên sàn sẽ tìm kiếm sản phẩm có giá trị thấp, nhỏ lẻ bởi lòng tin và sự hiểu biết về mua sắm thương mại điện tử chưa nhiều. Tuy nhiên, gần đây đã có sự dịch chuyển bằng việc quan tâm của khách hàng với uy tín của nhà bán hàng, chất lượng sản phẩm đã tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, Lazada cũng hướng tới quan tâm đến thói quen của người tiêu dùng với các sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe, có trách nhiệm hơn. Đơn cử trong dịp hưởng ứng Giờ trái đất vừa qua, doanh nghiệp đã phối hợp với các thương hiệu lớn đưa các sản phẩm được sản xuất, đóng gói tiết kiệm nguyên liệu, thân thiện với môi trường và nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng.
Các diễn giả cũng cho rằng, hệ sinh thái thương mại điện tử dựa trên trụ cột chính là công nghệ sẽ là chiến lược lâu dài và đã phát huy hiệu quả để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ngoài ra, đó cũng là công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp Việt lên sàn, kinh doanh online một cách chuyên nghiệp, dễ dàng, hiệu quả hơn, tăng được tương tác với tệp khách hàng tiềm năng. Thông qua các hoạt động như vậy, các doanh nghiệp sẽ góp phần phát triển thương mại điện tử và phục hồi kinh tế nói chung.
Việc mua sắm thông qua sàn thương mại điện tử sẽ tạo cho người dùng sự tiện lợi, truy xuất nguồn gốc dễ dàng, đặc biệt với các mặt hàng nông sản sẽ được nâng tầm thương hiệu và giá trị. Với các sản phẩm du lịch sẽ góp phần quảng bá, truyền thông được chi tiết và sâu rộng hơn qua đó sẽ kích cầu, cũng như phát triển thương mại điện tử phù hợp với xu hướng chung của thế giới. “Dự kiến, năm 2023, VECOM sẽ phối hợp với Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam đào tạo khoảng 500.000 thanh niên kinh doanh về thương mại điện tử” - ông Nguyễn Ngọc Dũng thông tinthêm.
Với những chủ đề, nội dung được cập nhật mới nhất và mang tính thực tế cao, thông qua sự chia sẻ của những chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm và có tầm nhìn, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2022 đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bắt nhịp với dòng chảy thời đại, chuyển hóa khó khăn thành bệ phóng để bứt phá thành công trong nền kinh tế số. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng là dịp để các doanh nghiệp tham gia chương trình thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong thời gian tới.
Theo thống kê, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 toàn Đông Nam Á do tác động của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy và tạo đà cho sự tăng trưởng mạnh mẽ. Các chuyên gia nhận định, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và dự báo sẽ đạt khoảng 39 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.
Đoàn Hoa