Đa dạng sản phẩm du lịch
Nằm giữa sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, với lợi thế về thiên nhiên và bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng, Củ Chi là điểm dừng chân quan trọng trên các tuyến du lịch gắn với thành phố Hồ Chí Minh, tuyến du lịch quốc tế Việt Nam - Campuchia. Ngoài ra, huyện còn giáp ranh với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương... là điều kiện quan trọng thu hút khách du lịch.
Huyện Củ Chi là một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt hấp dẫn du khách bởi các khu di tích địa đạo ở bến Đình và bến Dược. Củ Chi còn đầu tư phát triển nhiều sản phẩm du lịch khác như công viên nước, khu du lịch sinh thái, các làng nghề. Các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, trạm cứu hộ động vật... cũng mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm thực tế cho rất nhiều học sinh, sinh viên.
Di tích Địa đạo Củ Chi hiện được bảo tồn ở hai khu vực bến Dược và bến Đình, thích hợp cho những du khách thích khám phá lịch sử. Tại đây còn có nhiều hạng mục và công trình khác nhau giúp du khách có thể thỏa sức tham gia trải nghiệm các hoạt động đời sống thực tế của người dân địa phương trong thời gian chiến tranh cam go và gian khổ. Đến đây, du khách được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như bắn súng, bắn súng đạn sơn, thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị bản địa, thư giãn với dịch vụ bơi thuyền kayak, tắm hồ..., mua một số mặt hàng lưu niệm thú vị được các nghệ nhân chế tác từ vỏ đạn, vỏ bom...
Khu du lịch sinh thái văn hóa dân tộc thiểu số Củ Chi được thiết kế với kết cấu chủ yếu bằng gỗ, tre, trúc, lá dừa nước... Du khách có thể chiêm ngưỡng nét độc đáo của kiến trúc nhà ở, tín ngưỡng thờ cúng hay các vật dụng trong sinh hoạt và sản xuất như: guồng nước của người Mường; lò rèn của người S’tiêng; cách nấu rượu của người Chu - ru; cảnh dệt thổ cẩm của các cô gái Ba - na, Thái; nghề đan lát của các nghệ nhân S’tiêng; nghề làm gốm của người Chơ - ro...
Khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” là một quần thể làng nghề thủ công truyền thống, có khoảng 30 hạng mục tiêu biểu cho những nền văn hóa khác nhau trên khắp đất nước. Du khách có thể thưởng thức ẩm thực mang đậm văn hóa 3 miền; tham quan đảo nuôi chim thú tự nhiên, khu chợ hàng tiểu thủ công nghiệp, chợ trên sông, vườn cây ăn trái; ngắm nhìn những tác phẩm thu nhỏ mô phỏng các công trình, những cảnh vật nổi tiếng của đất nước Việt Nam như tháp Chàm, chùa Thiên Mụ, hồ Hoàn Kiếm, chợ Bến Thành...
Khu vườn cây ăn trái xã Trung An có khoảng 10 hộ kinh doanh cây ăn trái. Du khách sẽ được thỏa thích thưởng thức các loại trái cây, tự mình hái và thưởng thức ngay tại vườn; thưởng thức những món ăn dân dã miền quê do người dân địa phương phục vụ…
Khu công viên nước Củ Chi (xã Phước Vĩnh An) có diện tích khoảng 3ha bao gồm các hạng mục: khu hồ bơi dành cho người lớn, hồ bơi dành cho trẻ em; các trò chơi mạo hiểm như đu dây tử thần, 3 làn trượt nước...; khu vực thư giãn như hồ tạo sóng nhân tạo, dòng sông lười… Những du khách thích không gian tĩnh lặng có thể đến khu vực câu cá hay tham quan vườn thú đa dạng về chủng loại như: cá sấu, đà điểu, voi, nai, hươu, gấu... Ngoài ra, còn có hệ thống nhà nghỉ, khách sạn phục vụ những du khách có nhu cầu lưu trú tại miền thôn dã.
Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh là nơi du khách được tận mắt chứng kiến các công nghệ trồng rau sạch, tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp và trải nghiệm những hoạt động thú vị như trồng rau, chăm sóc rau sạch… Hiện nay, khu nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu đón tiếp các đoàn khách học sinh, sinh viên từ các trường đến tham quan và học tập ngoại khóa.
Trạm cứu hộ động vật hoang dã hoạt động từ năm 2008, có khả năng cứu hộ nhiều loài động vật khác nhau như linh trưởng, thú họ mèo, tê tê, rùa, rái cá... Hiện nay, trạm đã mở cửa đón các đoàn khách đến tham quan, học tập, đặc biệt là sinh viên và học sinh…
Bên cạnh những tiềm năng và thế mạnh hiện có, Củ Chi chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa riêng; sự tham gia của cộng đồng địa phương, kinh nghiệm quản lý, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, lao động còn hạn chế; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa được còn thiếu đồng bộ; các dịch vụ bổ sung cho hoạt động du lịch chưa được đầu tư bài bản…
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
Du lịch văn hóa: Củ Chi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng như Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi - công trình kiến trúc độc đáo trong lòng đất; đền Bến Đình và đền Bến Dược; đình Cây Sộp; đình thờ Thần Thành Hoàng Bốn Cảnh (vị thần bảo hộ của làng) được vua Tự Đức ban tặng sắc phong; đình Xóm Huế, chùa Linh Sơn - 2 công trình kiến trúc nghệ thuật cũng là nơi đùm bọc, che chở các cán bộ cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Vấn đề đặt ra là lựa chọn những di tích tiêu biểu để đầu tư xây dựng và phát triển thành điểm đến có thương hiệu và đặc trưng của vùng đất Củ Chi.
Du lịch sinh thái: Hiện tại, huyện Củ Chi đã có những điểm du lịch sinh thái đang hoạt động như: Khu du lịch Một thoáng Việt Nam; Khu du lịch sinh thái văn hóa dân tộc thiểu số; Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ. Trong thời gian tới, Củ Chi cần hình thành mạng lưới các nhà vườn trồng cây ăn trái kết hợp với các tuyến giao thông đường thủy và đường bộ để làm phong phú thêm loại hình tham quan; hình thành thêm tuyến du lịch ven sông xuất phát từ Khu du lịch sinh thái Bình Mỹ đến địa đạo, dọc ven sông là tham quan các làng nghề thủ công.
Du lịch làng nghề: Đặc điểm nổi bật của huyện Củ Chi là nghề truyền thống luôn gắn với nông nghiệp, nông thôn. Vì thế, phát triển du lịch làng nghề truyền thống hiện nay là bước đột phá để góp phần cải thiện đời sống của nhân dân ở nông thôn. Hiện tại, một số làng nghề ở huyện Củ Chi đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của du khách là tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Để khai thác làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch cần lựa chọn những làng nghề đang hoạt động và có khả năng khôi phục được, có cảnh quan môi trường tốt, có điểm trình diễn cho du khách tham quan cũng như hướng dẫn du khách tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất, như làng nghề bánh tráng (Phú Hòa Đông), mành trúc (Tân Thông Hội), đan lát (Thái Mỹ), sinh vật cảnh (Phú Hòa Đông - Trung An)…
Mặc dù lượng khách du lịch đến với huyện Củ Chi ngày một tăng nhưng so với tổng lượng du khách đến thành phố Hồ Chí Minh thì tỷ lệ và thu nhập từ hoạt động du lịch còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Trước thực tế trên, đòi hỏi ngành Du lịch huyện Củ Chi cần xây dựng, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao, trong đó chú trọng đến phát triển du lịch văn hóa và sinh thái; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai; tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch...
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thuý Anh (Chủ biên) (2016), Giáo trình du lịch văn hoá – Những vấn đề lý luận và nghiệp vụ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Bùi Thanh Hương (2007). Nghiên cứu các mô hình du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Khoa Quản Trị Kinh Doanh và Du lịch, Trường đại học Hà Nội.
3. Nguyễn Phạm Hùng (2020), Du lịch văn hoá, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Bùi Thị Hải Yến (2020), Tuyến điểm du lịch Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội…
ThS. Vương Hồng Ngọc
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2022)