Tết Huế diễn ra trong không khí đầm ấm của gia đình đoàn viên. Người Huế không có tục hái lộc đầu năm nên họ không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Đối với người Huế, quan trọng nhất trong ngày Tết là chuối thờ. Ngoài nải chuối để bày mâm ngũ quả ở bàn thờ tiên tổ, các gia đình còn bày chuối thờ ở nhiều nơi như bàn thờ ông bà, am thờ ngoài trời, bàn thờ bếp, bàn thờ phật Di Lặc… Người Huế đi mua chuối thờ chọn lựa rất kỹ. Chuối thờ ngày Tết phải là loại chuối cau không chín, cũng không xanh quá, quả chuối tròn cạnh không xây xước, dập nát.
Mai vàng chơi Tết cũng không thể thiếu trong mỗi gia đình; do quan niệm hoa mai là khí thiêng đất trời. Chẳng thế mà có lệ sáng mồng một Tết, cả gia đình xúm quanh cành mai để ngắm xem có bông nào nở sáu cánh không. Bởi mai vàng nở sáu cánh là điềm lành, báo hiệu một năm tài lộc đang tới. Ngoài ra, ngày Tết của Huế nhà nhà đều tràn ngập hoa tươi. Trên bàn thờ, hoa huệ trắng tinh khiết ngát hương, trong nhà vườn Huế là các loại cây hoa quý như mộc lan, nguyệt quế, thược dược, cẩm chướng... sắc màu sặc sỡ.
Nói đến Tết Huế không thể không nhắc đến thức ăn và nghệ thuật nấu nướng khéo léo của các bà nội trợ. Mâm cỗ Tết Huế bao giờ cũng có bánh tét nhân mỡ, nhụy đậu xanh, nem An Cựu, tré "mụ" Tôn, dưa món hay củ kiệu, cam quít Hương Cần, bưởi Kim Long hay Nguyệt Biều... Huế là miền đất sùng đạo phật, do vậy ngày Tết Huế không thể quên món chay. Ngay từ mồng một Tết, nhiều gia đình đã ăn chay.
Thú vị nhất trong những ngày Tết ở Huế xưa là đi chơi chợ Gia Lạc. Đó là chợ Tết đặc biệt, mỗt năm chỉ họp một lần từ ngày 29 đến mùng 3 Tết tại làng Nam Phổ, cách Huế chừng 5km, trên đường từ cố đô Huế xuống Thuận An. Theo sách xưa chép lại, chợ Gia Lạc do Đinh Viễn công Nguyễn Phước Bình – con thứ tư của vua Gia Long sáng lập dưới thời vua Minh Mạng. Cũng như ở chợ Viềng Nam Định, chợ Gia Lạc không đặt nặng chuyện bán mua mà người ta đi chơi chợ để góp vui và để cầu may là chính. Món hàng nổi bật nhất của chợ là các loại đồ chơi trẻ em do các nghệ nhân xứ Huế làm từ đất sét hay bột sắn nhuộm phẩm màu như gà, lợn, voi, chim, cá, ngựa… và thịt bê thui. Thịt bê thui chấm với mắm nêm chế biến từ các loại cá nục, cá cơm ăn kèm rau ghém như khế, vả thái mỏng cuốn trong bánh tráng, nhâm nhi với rượu làng Chuồn là cái thú của người Huế khi đi chơi chợ Gia Lạc. Ngoài ra, chợ Gia Lạc còn là nơi vui xuân, hò hẹn của nam thanh nữ tú.
LÊ HẢI