Người hâm mộ và dân trong nghề gọi nghệ sỹ Tạ Duy Nhẫn bằng cái tên: người bạn của muông thú bởi những con thú được anh dạy dỗ đã trở thành diễn viên trên sàn diễn.
Dòng họ mê xiếc
Ông cụ thân sinh của nghệ sỹ Tạ Duy Nhẫn là NSND Tạ Duy Hiển - chính là ông tổ của ngành Xiếc Việt Nam, người lập ra gánh xiếc tư nhân đầu tiên. Vốn là một bác sỹ nha khoa có tiếng ở Hà Nội, trong một lần tình cờ xem đoàn xiếc Atôn của Anh sang Việt Nam biễu diễn, những tiết mục xiếc người, xiếc thú khéo léo và điêu luyện đã thực sự làm ông bị mê hoặc. Thế là ý tưởng thành lập một gánh xiếc của người Việt bắt đầu lớn dần. Tập hợp anh em, họ hàng, đầu tư mua thú và xây chuồng trại, đến năm 1922, gánh xiếc đầu tiên, “bộ môn nghệ thuật tổng hợp, thể hiện tính cách của một dân tộc dũng mạnh…” đã chính thức ra đời. Đến năm 1956 khi đoàn xiếc Trung ương thành lập, Tạ Duy Hiển đã “hiến” cả gánh xiếc cho Nhà nước và trở thành nghệ sỹ xiếc đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân.
Lên 5 tuổi, Tạ Duy Nhẫn được cha dạy xiếc ở nhà; năm lên 8 tuổi đã theo đoàn đi biểu diễn khắp các địa phương miền Bắc. Để rồi, từ gánh xiếc này những cái tên như Tạ Duy Hiển, Tạ Duy Hùng, Tạ Duy Kỳ, Tạ Duy Nhẫn… đã nối tiếp nhau làm nên vinh danh cho dòng họ Tạ.
Mối duyên với những con thú
Nghệ sỹ Tạ Duy Nhẫn bắt đầu sự nghiệp ở đoàn xiếc Trung ương từ thành công với những tiết mục xiếc người. Thế nhưng sau khi thuần phục được những chú ngựa hoang (do nhà nước Mông Cổ tặng năm 1978) và trình diễn một cuộc đua tốc độ trên sân khấu trước sự ngạc nhiên và khâm phục của Đại sứ quán Mông Cổ, anh đã hoàn toàn bị những chú ngựa chinh phục. Và xiếc thú đã “hút” anh từ bấy đến giờ.
Anh Nhẫn kể: tôi rất thích những con vật dị dạng. Bởi cũng giống như con người, cái tật vẫn thường đi với cái tài. Có lần, tôi mua một con khỉ ở chợ Đồng Xuân (chân ngắn, chân dài) nên khả năng giữ thăng bằng của nó không tốt. Sau một thời gian quan sát, thay vì tập cho nó đi xe đạp, tôi cho nó đạp xích lô. Thế là khiếm khuyết được biến thành thế mạnh. Chàng khỉ này giờ đã thành “sao”, không thể vắng mặt bất kỳ buổi biểu diễn nào.
Rồi chuyện về chú gấu anh đã cứu mạng khi sắp bị đưa vào một nhà hàng ở Gia Lâm. Anh chàng này bị cụt một móng chân nhưng bù lại phản xạ rất nhanh và tình cảm. Sau một thời gian huấn luyện tích cực, giờ cũng được liệt vào danh sách diễn viên ưu tú của đoàn.
Hơn 70 con vật ở đoàn cũng là 70 diễn viên, 70 người bạn. Mỗi thành viên đều có một số phận, đặc tính và cách thể hiện riêng. Những chú khỉ thì tinh ranh và lém lỉnh, voi điềm đạm nhưng rất chí tình, gấu đôi khi hiền lành đến khó tin, ngựa dũng mãnh nhưng thực chất lại yếu mềm, hay xúc động… Sau bao nhiêu năm gắn bó như những người bạn, anh Nhẫn đã hiểu các thành viên đến từng “chân tơ kẻ tóc”. Và những con thú tưởng như chỉ mãi mãi thuộc về một thế giới hoàn toàn xa lạ, thậm chí có lúc là kẻ thù của con người đã vụt trở thành những ngôi sao, những người bạn diễn trung thành trên sân khấu.
Thành công nối tiếp thành côngBắt đầu tạo đột phá từ các tiết mục xiếc ngựa song xiếc voi, khỉ vẫn là lĩnh vực mà nghệ sỹ Tạ Duy Nhẫn lưu lại nhiều dấu ấn nhất trên sân khấu trong nước và quốc tế.
Năm 1990, sau khi rạp xiếc Trung ương khánh thành, NSND Tâm Chính đã chỉ đạo anh em bắt tay vào khôi phục xiếc thú. Tạ Duy Nhẫn cùng anh họ là Tạ Duy Hùng đã bắt đầu từ đoàn voi 4 con với những động tác mang tính quốc tế: voi đứng hai chân rồi một chân, voi ngồi, một chân xoay tròn, voi dùng vòi đánh trống. Đây chính là những đột phá của nghệ thuật xiếc Việt Nam. Năm 1994, anh dựng lại tiết mục xiếc ngựa đã một thời vang bóng của người cha và thổi vào đó sức sống, sự hùng mạnh, lãng mạn của tuổi trẻ với tên gọi “Một thời để nhớ” (gảy đàn trên lưng ngựa, cầm cờ đứng trên lưng ngựa phi nước đại với nhiều động tác nhào lộn…). Trong lần được Đài Loan mời lưu diễn, tuy không mang được ngựa nhà sang nhưng trong vòng 10 ngày Tạ Duy Nhẫn đã tập và biểu diễn thành công trên lưng những chú ngựa của nước bạn. Tiết mục này được khán giả Đài Loan yêu cầu diễn lại mấy lần.
Tạ Duy Nhẫn tâm sự: “Mỗi tiết mục biễu diễn mang một số phận, một đời sống riêng. Tuy nhiên, xã hội và người xem chỉ chấp nhận và đón nhận những tiết mục có tính sáng tạo, đi đúng nguyện vọng đời sống…”. Bằng chứng là trong SEA Games 22, ý tưởng đem không khí thể thao vào các tiết mục biễu diễn của anh như: khỉ đẩy tạ, voi đá bóng… đã mang lại thành công rực rỡ. Riêng tiết mục khỉ đua xe đạp, đạp xích lô được khán giả các nước Đông Âu thường yêu cầu diễn lại, có khi lên đến 7 lần và trở thành tiết mục “đinh” của đoàn.
Đón xuân Bính Tuất§, anh Nhẫn và đồng nghiệp đã chuẩn bị các tiết mục xiếc thú vui nhộn và đặc sắc để mang đến cho người hâm mộ niềm vui cùng những tiếng cười sảng khoái. Đặc biệt, dự định đưa các diễn viên thú sang biểu diễn tại đất nước Đài Loan cũng đang tới gần từng ngày…
HUYỀN THANH