15 năm nhìn lại
Tháng 3/1985, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định công nhận khu phố cổ Hội An là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Sau đó, tháng 6/1986, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã thành lập Ban Quản lý di tích và dịch vụ du lịch Hội An, đó là cơ quan chuyên trách về các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích phố cổ Hội An. Đây là những dấu mốc hết sức quan trọng trong việc khẳng định giá trị của di tích cũng như những nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ Hội An. Đặc biệt, từ tháng 12/1999 đến nay, sau khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch khởi sắc hơn bao giờ hết.
Do sớm nhận thức được trách nhiệm việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản là chung của toàn xã hội, mà trước tiên là những người làm công tác lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, Hội An coi đây là công việc chung của các cấp chính quyền, Đảng, đoàn thể và nhân dân địa phương. Các chủ trương, chính sách, giải pháp được quán triệt và thực hiện đồng bộ ở tất cả các cơ quan liên quan, trong đó tập trung nhất là Ban Quản lý di tích và dịch vụ du lịch Hội An (nay là Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An). Nhờ đó, Hội An đã thành công trong việc gìn giữ và phát huy giá trị phố cổ, hạn chế được tình trạng xuống cấp của di tích, bảo vệ môi trường cảnh quan khu phố cổ, khai thác phát triển du lịch…
Xác định phải tích cực đầu tư một cách đồng bộ mới thu được kết quả cao trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, các cơ quan hữu quan ở Hội An đã có nhiều giải pháp đạt hiệu quả cao trong vấn đề này. Để có kinh phí đầu tư, Hội An đã huy động rất nhiều nguồn, từ ngân sách của địa phương, của tỉnh, của Trung ương, các tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa của nhân dân… Hội An cũng không chỉ đầu tư cho bảo tồn, trùng tu di tích, mà còn hợp tác trong nước và quốc tế nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ học, kiến trúc, văn hóa, bảo tồn, học hỏi kinh nghiệm quản lý…
Hội An đã làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ngoài việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di tích, TP. Hội An đã thành lập quỹ hỗ trợ trùng tu di tích để cho các chủ sở hữu tư nhân vay ưu đãi, miễn thuế xây dựng, tham gia hỗ trợ tư vấn, giám sát việc sửa chữa, trùng tu di tích. Đối với các di tích thuộc chủ sử hữu tập thể, tư nhân có hoàn cảnh khó khăn, thành phố đã xét hỗ trợ từ 40% đến 75% kinh phí tu sửa, số kinh phí còn lại nếu có nhu cầu sẽ được vay. Người dân Hội An không chỉ tự hào mà còn được hưởng lợi từ việc bảo vệ di sản. Chính vì vậy, nhiều người đã khẳng định, cái được lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản chính là việc người dân Hội An biết trân trọng, giữ gìn di sản.
Phố cổ Hội An đã được UNESCO trao tặng các giải thưởng như “Dự án kiệt xuất về hợp tác bảo tồn khu phố cổ Hội An”, “Thành tựu đặc biệt về bảo tồn làng mộc Kim Bồng-Hội An”… Di sản Văn hóa thế giới này hội tụ đầy đủ những thế mạnh để phát triển du lịch, ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức như du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái... đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách tham quan. Hội An không chỉ là điểm sáng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Việt Nam, Hội An còn vươn ra quốc tế với những danh hiệu xuất sắc: theo Tạp chí Du lịch Wanderlust của Anh bình chọn cuối tháng 1/2013, Hội An đã xuất sắc xếp vị trí số 1 trong những thành phố được yêu thích hàng đầu thế giới; theo bình chọn của UN Habitat (Tổ chức định cư con người Liên Hợp quốc tại châu Á), Hội An là thành phố cảnh quan năm 2013; kết quả khảo sát của tạp chí Conde Nast Traveler cho thấy Hội An đứng thứ 2 trong danh sách bảng xếp hạng các điểm du lịch được yêu thích nhất châu Á (chỉ sau thành phố Kyoto của Nhật Bản…
Phố cổ Hội An đã trở thành điểm du lịch yêu thích được du khách lựa chọn, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở đây tăng nhanh, đến nay mỗi năm Hội An đã đón hàng triệu du khách. Vào những dịp đông khách như đầu năm mới hoặc lễ hội, du khách đến Hội An có khi trên 10.000 lượt khách/ngày…
Tuy nhiên, sau 15 năm nhìn lại, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới gắn với phát triển du lịch ở Hội An vẫn còn những khó khăn và thách thức nhất định. Đó là: số lượng di tích xuống cấp ngày càng nhiều, nhất là các di tích thuộc sở hữu tư nhân, tập thể, trong khi nguồn ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu; lực lượng cán bộ chuyên môn còn thiếu, kinh nghiệm và phương tiện kỹ thuật bảo tồn lạc hậu; vật liệu để trùng tu như gạch, ngói, gỗ đáp ứng yêu cầu thiếu thốn và đắt đỏ; công tác bảo tồn di sản phi vật thể còn gặp nhiều khó khăn, chưa được chú trọng đúng mức; công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy di sản chưa cao, phần lớn là do cơ quan nhà nước đề ra chủ trương cũng như đầu tư; có sự xuất hiện khá nhiều chủ nhân không phải người gốc Hội An đang làm mất đi lối sống truyền thống tốt đẹp vốn có; một bộ phận người dân phố cổ cũng bị tác động của kinh tế thị trường, của nhiều luồng văn hóa khác nhau; lợi ích có được từ di sản không đồng đều, mới chỉ tập trung ở một bộ phận; đặc biệt, di sản nơi đây dễ có nguy cơ tàn phá của bão, lũ lụt, hỏa hoạn…
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch hiệu quả, bền vững
Để bảo tồn, phát huy giá trị phố cổ Hội An gắn với phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững hơn nữa, chúng ta cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:
Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch ở Hội An. Ngành Văn hóa phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thường xuyên tiến hành kiểm tra, hướng dẫn hoạt động tại các di tích, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, lệch lạc, nhất là trong việc trùng tu, tôn tạo, trong quản lý các hoạtđộng du lịch, dịch vụ…
Nâng cao nhận thức, vai trò của toàn xã hội trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch ở Hội An. Cần tuyên truyền, vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản; vận động người dân có ý thức gìn giữ lối sống thân thiện, giản dị.
Nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy di sản phố cổ Hội An; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; xây dựng môi trường văn hóa trong hoạt động du lịch. Cần tạo nên sự hài hoà, đồng thuận giữa phát triển du lịch và bảo tồn di tích; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; xây dựng môi trường văn hóa trong hoạt động du lịch; tăng cường quảng bá di sản, sản phẩm du lịch bằng nhiều biện pháp.
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch ở Hội An. Địa phương cần xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa làm công tác bảo tồn, trùng tu di tích, tổ chức tập huấn cán bộ quản lý di tích ở cơ sở cũng như đội ngũ quản lý du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Kinh phí để bảo tồn, phát huy di sản Phố cổ Hội An là rất lớn, vì vậy cần phải huy động nhiều nguồn cho công tác này. Có như vậy, chúng ta mới có được nguồn kinh phí khả dĩ đáp ứng nhu cầu trùng tu, tôn tạo di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, khắc phục những khó khăn, nguy cơ đang hiện hữu.
ThS. Vũ Đình Anh
(Tạp chí Du lịch)