Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 7km về hướng Đông Nam, men theo con đường An Thạnh đến đồi cát Nam Cương khá “ngoằn ngoèo”, khi lên dốc lúc xuống đồi, nhiều đoạn chạy lòng vòng qua những xóm làng mà các bác tài luôn phải vất vả với những đàn dê, cừu thả rông với tiếng mõ trên cổ kêu vang lọc cọc ngộ nghĩnh, bước thong dong ngay trên những con đường đất nhỏ. Thấp thoáng đâu đó những giàn nho xanh mướt lá hai bên đường đang khoe những chùm trái đỏ tươi như mời gọi. Xa xa, những đồi cát nhấp nhô phía chân trời bao la một màu xanh ngút ngát của biển khơi.
Bước từng bước trên đồi cát, bạn cảm nhận những hạt cát li ti, mịn như nhung ôm ấp bàn chân, níu kéo như mời gọi, lưu luyến. Rồi, bình minh mang đến ánh nắng đầu ngày hé dần phía biển, chiếu những tia sáng đỏ tươi rực rỡ. Bấy giờ mới thấy những đồi cát nối nhau có nhiều sắc màu lạ lẫm.
Phía Tây Nam của đồi cát nhấp nhô ngọn núi Chà Bang - ngọn núi nhiều huyền thoại của đồng bào Chăm, cũng như đồi cát Nam Cương. Đồi cát này, khi xưa, những đoàn người Chăm nối nhau băng qua đi về phía biển tìm nguồn sống bằng khai thác cá tôm. Đồi cát Nam Cương trong nắng sáng là vậy, trong ánh hoàng hôn càng thêm nét kiêu kỳ. Nếu có dịp đến với đồi cát vào những ngày biển trời lộng gió, du khách sẽ có cơ hội chứng kiến sự thay hình đổi dạng liên tục và nhanh đến ngạc nhiên của đồi cát. Trong một buổi, những đồi cát nhấp nhô liên tục di chuyển như những đợt sóng đại dương, đồi cát trải dài mênh mông như dải lụa mơ màng trong nắng gió.
Rộng 700ha, đồi cát Nam Cương còn là nơi ở của loài dông. Người dân địa phương thường đến đây đào hang săn bắt những con vật sống trong lòng cát này về chế biến thành nhiều món ngon, đặc sản nổi tiếng của Ninh Thuận.
Một ngày, thậm chí chỉ một buổi thôi, đến với đồi cát Nam Cương du khách sẽ có nhiều kỷ niệm ngọt ngào với thiên nhiên vùng ven biển phía Nam của Phan Rang - Tháp Chàm, đó chính là ý nghĩa theo Hán tự của hai chữ Nam Cương, tên gọi của đồi cát mênh mông này.
PV