Tôi về Đất Mũi trong một chuyến đi thật tình cờ.
Như duyên trời đưa đẩy.
Tôi đã đọc một bài viết, cách đây khá lâu, kể về buổi sáng lênh đênh trên sông Cửa Lớn, hứng khởi và vất vả, để tới được Đất Mũi. Nhưng khi những bước chân của chính mình ngập ngừng rời khỏi con lộ ở bến Năm Căn, vùng đất liền cuối cùng, vững chãi và cứng cáp, để xuống canô băng qua dòng sông rộng lớn trước mặt, thì tôi mới hiểu rằng, mình sẽ đi về nơi đó, một vùng trời đất mà từ trước đến giờ luôn mơ hồ trong tâm trí.
Tôi hỏi người tài công: “Chạy bao lâu ra tới ngoài đó, em?”. “55 phút”. Chàng trai miền cuối đất, chân chất, chỉ cười, chắc chàng đã quen với những câu hỏi kiểu không biết trời cao đất dày là gì của những du khách lơ mơ về sông nước như tôi.
Canô xé nước, băng băng. Nó đua tốc độ và bỏ rơi dễ dàng mấy chiếc võ lãi (tắc ráng), xuồng đuôi tôm, khi dòng Cửa Lớn còn mênh mông vỗ sóng vào hai bên bờ. Cả một cuộc sống sông nước phô bày náo nhiệt trên đó. Những trại hòm, trường học, cửa hàng, cửa tiệm… Nhà bếp, nhà chính sát mé bờ, y như mọi vật có thể rơi ùm xuống sông bất cứ lúc nào, nhưng thực sự đã vững vàng ăn ngủ với nước ròng, nước lớn từ hàng trăm năm nay.
Mỗi khi có sóng lớn hoặc tàu thuyền băng ngang, chiếc canô nhỏ bé không bay lên được mà đập mạnh xuống nước, sức đập dữ dội đủ để mấy du khách ngơ ngác, sợ hãi. Rồi sông rộng dần, hai bờ dạt ra xa ngái, tàu thuyền lớn nhỏ cũng vắng tanh. Mây đen vần vũ kéo ra toàn cảnh một chiếc thuyền nhỏ bé, như một chiếc lá vèo ra cửa biển khi trời bắt đầu giông gió.
Anh chàng tài công điệu nghệ vẫn vi vút phóng. Khách thì cầu trời khấn phật mỗi khi thuyền va đập và bắt đầu liếc tìm những chiếc áo phao bị bỏ quên, không ai thèm ngó tới, lúc ai nấy hùng dũng hiên ngang xuống tàu. Vèo một cái, anh tài công chợt bỏ sông rộng, ngoặt một cú ngoạn mục vào một nhánh sông trung. Cũng rộng tít tắp nhưng thấy lại đôi bờ, bớt mênh mông. Lại hiện ra san sát những xóm nhà, cửa hàng, cửa hiệu đơn sơ, buôn bán những tiện nghi tối thiểu như tạp hóa, gạo, xăng dầu, trại hòm… Những trường học quanh quẽ chống chân trên đất mềm. Đã đến Xóm Đất Mũi rồi đó, những cư dân trên vùng đất cuối cùng của xứ sở, hoàn toàn không có đường bộ vào đất liền, nước dưới chân nửa biển nửa sông. Họ an nhiên, hiền lành và có vẻ cũng gần gũi phố thị. Những tấm bảng hiệu sửa máy vi tính, tiệm net, những hàng dây điện thấp thoáng… Canô lướt nhanh quá nên tôi chỉ kịp ngoái đầu lại vội vàng khi nhìn thấy những chiếc xuồng nhỏ chở mắm muối, rau cá, tấp vào mua bán. Thì ra họ đi chợ như vậy. Tôi tự hỏi buổi tối ở đây sẽ ra sao? Ánh điện hay ánh đuốc? Những nhu cầu tinh thần? Có gánh hát hay nghệ sĩ nào ra tới đây? Những bàn chân bám đất mềm, buồn vui, nỗi niềm thế nào giữa xung quanh trắng xóa và đen ngòm màu nước? Nhà cửa cách nhau quá xa. Lúc đau ốm, cần cấp cứu họ sẽ đi bằng cách nào, có lẽ phải cõng người bệnh ra thuyền nhỏ giữa đêm khuya trong cảnh trời nước bao la, vài chục cây số sông mới tới Năm Căn?
Rồi những rừng đước tít tắp hiện ra. Canô đi vào một khu rừng huyền ảo lạ lùng. Cây đước bạt ngàn, những bộ rễ như những chiếc nơm vững chãi cắm xuống bùn đen, thiên nhiên hoang lặng mà xanh mướt, dòng sông lúc rộng lúc hẹp, lúc đầy lúc vơi, khi những nhánh đước xẹt ngang thuyền, rồi lại chạy ra xa, để lộ những vụng biển mênh mang chỉ có lô xô hàng đước con mới nhảy thêm để bám đất. Mùi dậy lên, nhưng nhẹ nhàng thoang thoảng, mùi của bùn non, ngọt dịu của sông và nhẹ mát cửa biển. Cứ thế, chiếc canô trai trẻ dọc ngang, uốn lượn giữa rừng ngập mặn và đổ vào bến. Đước bạt ngàn. Những khoảng trời sẫm màu vì cây lá um tùm. “Tới rồi”. Hai bạn trẻ du khách đứng lên vươn vai.
Đất Mũi là đây. GPS 0001, mốc tọa độ quốc gia đầu tiên tính từ phía Nam. Đó là chóp đất nhọn như một mũi tên, rẽ sóng hai bên, mỗi năm lấn ra biển vài chục mét. Tôi đã được trải qua nhiều cảm giác bâng khuâng biên ải, nhưng lần đầu tiên được đứng ở cuối trời Tổ Quốc, bồi hồi vì dù gì mình cũng là con cháu hậu duệ của dân Nam Kỳ mở đất, lại đọc nhiều những Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh, Đất rừng phương Nam…
Không có nhiều du khách đến đây, vì xa xôi cách trở và tốn kém quá. Dân Cà Mau nhiều người còn chưa biết, chưa tới, huống chi khách phương xa. Tôi gặp một đoàn khách đông, nói giọng Bắc, tíu tít chụp ảnh kỷ niệm với con thuyền xi măng, với một cánh buồm bê tông mang dòng chữ:
MŨI CÀ MAU, 8’ 37’’30’’’VĨ ĐỘ BẮC,
104’43’’ KINH ĐỘ ĐÔNG.
Những tấm panô mang dòng chữ: VƯỜN QUỐC GIA CÀ MAU - VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC CÓ TẦM QUAN TRỌNG QUỐC TẾ, chỉ viết bằng tiếng Việt, nghĩa là rất ít du khách nước ngoài tới đây. Thật tiếc biết mấy. Vùng trời đất nồng ấm này vẫn chưa được biết đến nhiều. Đất Mũi của chúng ta được xếp hạng quan trọng thứ nhì trên thế giới về tính độc đáo và môi trường sinh thái ngập nước (chỉ sau Amazone) thôi mà. Sao đìu hiu và bị bỏ bê như vậy?
Tôi chưa được nói chuyện với người dân Xóm Mũi, nhưng đã nhìn thấy những căn nhà đơn sơ không cần cửa nẻo gì của họ.
Ở đây, nhà cửa lộng gió, dù cạm bẫy thị thành đã len lỏi vào tận bến sông, nhưng cư dân vẫn hào phóng, hiếu khách và chất phác lắm. Họ nhìn theo tàu, cười, những câu nói đặc sệt lối Nam Bộ Cà Mau vẫn vang vọng thoảng theo gió.
Hôm nay, quốc lộ 1 kết thúc ở Năm Căn. Nhưng vài chục năm nữa, vùng đất mới mềm mại và tươi xanh này sẽ cứng cáp vững chãi hơn, để người ta có thể làm những con đường và những cây cầu, cho lối về Đất Mũi “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp như Cần Thơ, Vĩnh long, Long Xuyên…, để con đường cái quan thân yêu cứ vươn dài ra mãi, rồi con cháu từ đó dễ dàng ra khơi…
Dòng Mê Kông kỳ vĩ xa lắc cách Đất Mũi mấy ngàn cây số mà hào phóng chở nặng phù sa bồi đắp không ngơi nghỉ. Nhưng Đất Mũi không vì vậy mà được thảnh thơi. Ai có ra đó mới thấy bão tố và sóng gió, biển xâm thực đất mới, những bãi bồi nguyên sơ phải chống chọi từng ngày mới mong yên lành, những bờ kè dài tít tắp phải níu giữ từng vuông đất mong manh…
Trên đường về, mặc cho canô lả lướt, tôi cứ miên man nghĩ về chiến trận và cộng sinh giữa đất và nước, về bài ca thiên nhiên bất tận đó. Rồi đến Cần Thơ, tôi tìm thấy trong sảnh khách sạn tấm bản đồ du lịch Nam Bộ, có con sông Cửa Lớn cắt đôi bán đảo Cà Mau, có Năm Căn, đoạn cuối đường bộ, để đánh dấu vùng Đất Mũi mênh mang, dọc ngang sông nước.
Đất Mũi, xa xôi, đi và đến gian khổ, và không phải bất cứ ai cũng tìm thấy cơ hội được đặt chân tới. Những người có khả năng hoàn thành việc vừa lên ải Nam Quan vừa xuống Đất Mũi Cà Mau lại càng hiếm. Tôi nằm trong số ít may mắn, nhưng với tuổi tác của mình, tôi biết mình khó lòng trở lại cả hai nơi một lần nữa. Nhưng những ký ức đậm sâu với hai tuyến đầu đất nước thi sao mà phai nhạt được?
Thanh Thủy
(Tạp chí Du lịch)