Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 bao gồm những nội dung chủ yếu sau: quan điểm phát triển; mục tiêu phát triển; các chỉ tiêu phát triển chủ yếu; các định hướng phát triển chủ yếu; các giải pháp thực hiện Đề án; tổ chức thực hiện Đề án.
Về quan điểm phát triển: quan điểm chủ đạo xuyên suốt đối với phát triển du lịch vùng ĐBSCL nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp thực sự quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nỗ lực xóa đói giảm nghèo cho người dân, đảo bảo an ninh, quốc phòng và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của cả nước, nâng cao vị thế ngành Du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả và bền vững lợi thế và vị trí, tài nguyên Vùng.
Các chỉ tiêu phát triển: về khách du lịch, đến năm 2015 đạt 2,7 triệu lượt khách quốc tế và 5,2 triệu lượt khách du lịch nội địa. Năm 2020 đạt 3,9 triệu lượt khách quốc tế và 6,5 triệu lượt khách du lịch nội địa; về cơ sở lưu trú du lịch: năm 2015 có tổng số 37.150 buồng khách sạn. Năm 2020 có 50.000 buồng khách sạn; về nguồn nhân lực du lịch: năm 2015 có 154.700 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 54.100 lao động trực tiếp. Năm 2020 có 236.600 lao động, trong đó có 82.700 lao động trực tiếp; về thu nhập du lịch, giá trị GDP du lịch và nhu cầu đầu tư: năm 2015 thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 732,1 triệu USD, giá trị GDP du lịch đạt 491,6 triệu USD. Năm 2020, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.349,5 triệu USD, giá trị GDP du lịch đạt 877,1 triệu USD.
Về định hướng phát triển sản phẩm, Quyết định nêu rõ: phát triển du lịch đặc thù vùng ĐBSCL: du lịch tham quan sông nước, miệt vườn kết hợp với nghỉ tại nhà dân, du lịch văn hóa tìm hiểu văn hóa các dân tộc trong Vùng, du lịch sinh thái, du lịch tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái đa dạng Vùng, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp (tại Phú Quốc, Hà Tiên).
Hình thành và phát huy các sản phẩm liên kết của từng khu vực tạo sức cạnh tranh cao cho các chương trình du lịch tổng hợp./.
PV