Về Huế xem... "vật" làng Sình
|
Các đô vật đang thi tài |
Không chỉ có mục đích thượng võ, cầu mong một năm đầy may mắn, thành công cho các đô vật và cho người dân trong vùng, lễ hội vật truyền thống làng Sình hàng năm còn là dịp để các bạn trẻ khắp nơi tham gia rèn luyện sức khỏe, phô diễn sức mạnh của tuổi trẻ. Vì thế, ngoài các đô vật đã được đăng ký từ trước, các sới vật hàng năm đều thu hút các bạn trẻ đăng ký trực tiếp tại lễ hội tham gia thi đấu.
Theo luật từ hàng trăm năm qua của sới vật làng Sình, trong thi đấu tuyệt đối cấm kỵ việc chơi xấu, ra đòn độc, đòn hiểm, gây nguy hiểm tính mạng như bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt… Những thí sinh không tuân theo luật sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Các đô vật sẽ được tranh tài theo hai giải thiếu niên và thanh niên. Mỗi đô vật phải thắng liên tiếp ba trận mới có thể ghi danh vào vòng bán kết tranh giải và muốn thắng được đối phương, các đô vật phải quật ngã cho “lưng lấm đất, bụng ngưỡng trời”.
Không còn tiết trời heo may, mát mẻ của những ngày đầu xuân, lễ hội vật làng Sình năm nay diễn ra trong cái oi nồng, hanh hao của thời tiết khi trời dần chuyển sang trưa. Tuy nhiên, bất chấp những khó chịu của thời tiết, càng về trưa không khí của sới vật càng “nóng” dần khi các đô vật loại liên tiếp các đối thủ và chuẩn bị vào tranh chung kết. Tiếng hò reo cổ động của người dân, tiếng trống của sới vật cũng như giục giã hơn, rộn ràng hơn. Không chỉ thu hút hàng ngàn lượt người vây quanh sới vật, lễ hội năm nay còn thu hút du khách bởi các hoạt động văn hóa bổ trợ khác như giới thiệu hoa giấy thanh tiên, tranh làng sình, vẽ tranh trên gốm, viết thư pháp… và dĩ nhiên không thể thiếu những món quà quê nổi tiếng như bánh lọc hạt tiêu, bánh canh bột gạo, bánh ú… Du khách có thể bắt gặp ở đó hình ảnh thân thương của mình lúc ấu thơ khi được nhìn thấy lại các con tò he, cái lùng tung, các con bộp bộp…
Thiết nghĩ, “vật làng Sình” không còn chỉ nằm trong khuôn khổ của một vùng quê Phú Mậu, rộng hơn là vùng huyện Phú Vang mà đã trở thành một “thương hiệu” lễ hội văn hóa giàu truyền thống, mang đậm tinh thần thượng võ dân tộc, khuyến khích giới trẻ tích cực rèn luyện sức khỏe, trí thông minh và lòng dũng cảm để xây dựng quê hương, đất nước. Vì vậy, lễ hội vật làng Sình hàng năm cần được chuẩn bị chu đáo, công phu từ sàn đấu của sới vật, khán đài cho đến các hoạt động văn hóa bổ trợ khác, làm sao để lễ hội ngày càng ấn tượng; trở thành nơi hội ngộ của những người con Phú Mậu, người dân xứ Huế và là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần vào sự phát triển chung của Du lịch Thừa Thiên - Huế.
MINH HẠNH