Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, Việt Nam có hệ thống sản phẩm du lịch khá đa dạng và có nhiều điểm mạnh: đa dạng về sản phẩm tại điểm đến (du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch thành phố...); giàu giá trị truyền thống văn hóa với hệ thống di sản, di tích, lễ hội đặc sắc; có thế mạnh nổi trội về du lịch biển đảo; chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch ngày càng được nâng cao; giá cả hợp lý; thị trường du lịch nội địa ổn định, tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển du lịch bền vững; có thế mạnh trong việc liên kết phát triển các sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng...
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh, sản phẩm Du lịch Việt Nam vẫn tồn tại nhiều điểm yếu như: sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu và trùng lặp, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa được khai thác hiệu quả; chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch chủ lực đặc thù, phù hợp cho từng phân khúc thị trường khách du lịch… Để khắc phục hạn chế này, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, du khách, cộng đồng dân cư… cần thực thi đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát huy điểm mạnh, hạn chế giảm thiểu những điểm yếu, phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng và thúc đẩy Du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và toàn diện, Du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen, sự tham gia của Du lịch Việt Nam trong hoạt động của các tổ chức, cơ chế khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, UNWTO, PATA, GMS, Hành lang kinh tế Đông - Tây... ngày càng trở nên tích cực và hiệu quả. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận các thị trường du lịch quốc tế, tiếp nhận những cơ chế đào tạo nguồn nhân lực du lịch, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Quan hệ ngoại giao tích cực của Việt Nam với thế giới cũng đang mở ra cơ hội thu hút đầu tư vốn và cộng nghệ vào Việt Nam nói chung và đầu tư du lịch nói riêng... Bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ như: nguy cơ khủng khoảng kinh tế; diễn biến phức tạp an ninh, chính trị trên bình diện quốc tế; sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt... đòi hỏi Việt Nam phải nhạy bén, nắm bắt kịp thời và chính xác những xu hướng của du lịch thế giới; đồng thời, cần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch với lợi thế quốc gia và sự độc đáo của văn hóa dân tộc để khẳng định mình trong quá trình hội nhập du lịch quốc tế và cạnh tranh toàn cầu.
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định ưu tiên phát triển mạnh các sản phẩm du lịch theo ưu thế nổi trội về tài nguyên tự nhiên và văn hóa; mở rộng các loại hình du lịch mới (du thuyền, caravan, MICE, du lịch giáo dục, du lịch dưỡng bệnh, du lịch làm đẹp, du lịch ẩm thực); liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết ngành hàng không, đường sắt, tàu biển tạo sản phẩm đa dạng; phát triển sản phẩm du lịch theo đặc trưng 7 vùng lãnh thổ, bao gồm:
Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ: du lịch văn hóa, sinh thái gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc: du lịch danh lam thắng cảnh biển, du lịch văn hóa, du lịch đô thị, du lịch MICE.
Vùng Bắc Trung Bộ: tham quan tìm hiểu các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử và du lịch đường biên.
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ: du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, tìm hiểu các di sản văn hóa thế giới, văn hóa biển và ẩm thực biển.
Vùng Tây Nguyên: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa.
Vùng Đông Nam Bộ: du lịch đô thị, du lịch MICE, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái biển, đảo.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long: du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa sông nước miệt vườn, nghỉ dưỡng và sinh thái biển, đảo, du lịch MICE.
Theo đó, cần có sự đầu tư nghiên cứu để tạo nên các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, có tính đặc thù rõ nét; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh như: du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng...; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, hướng tới thu hút khách chi trả cao và lưu trú dài ngày...
Theo nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới, trong những năm tới, du lịch vẫn là ngành có nhiều triển vọng. Xu thế dòng khách quốc tế sẽ tiếp tục chuyển dịch đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để Du lịch Việt Nam bứt phá ngoạn mục về tăng trưởng khách; hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực... Để làm được điều đó, ngành Du lịch cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau: kiên quyết xử lý các vấn nạn đang tồn tại trong hoạt động kinh doanh du lịch, như làm ăn chộp giật, chặt chém khách, tiến tới chấm dứt một loạt hình ảnh xấu của môi trường du lịch; huy động tổng hợp nguồn lực và đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp; thay đổi cách thức xây dựng sản phẩm du lịch để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh cao...
Trên đây là một số hàm ý chính sách về phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế, du lịch khu vực ASEAN nhằm đảm bảo năng lực về tổ chức quản lý, tháo gỡ các rào cản làm hạn chế khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế... từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và điểm đến du lịch Việt Nam, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững. Du lịch Việt Nam cần có sự vào cuộc, chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành liên quan nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ (2013), Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
2. Nguyễn Trùng Khánh (2011), Phát triển dịch vụ lữ hành du lịch trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế: kinh nghiệm của một số nước Đông Nam Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Luận án Tiến sỹ kinh tế;
3. PGS.TS. Phạm Trung Lương (2015), Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch;
4. Dwyer L, Forsyth P, Rao P (2000), The price competitiveness of travel and tourism: A comparison of 19 destinations, Tourism Management.
5. J. R. Brent Ritchie, Geoffrey I. Crouch (2003), The competitive destination: A sustainable tourism perspective, CABI.
6. Hassan SS (2000), Determinants of market competitiveness in an environmentally sustainable tourism industry, Journal of Travel. |
ThS. Nguyễn Đức Tân